Nét độc đáo, sáng tạo về nghệ thuật tác chiến chiến lược trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Xin đề cập đến một số bài học kinh nghiệm về nét độc đáo của nghệ thuật tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ như sau:
Thứ nhất, Chiến dịch Điện Biên Phủ - nét độc đáo nổi bật nhất của nghệ thuật tạo và nắm thời cơ. Bước vào Chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, ta chủ động nắm chắc âm mưu và thủ đoạn mới của địch, Cuối tháng 9-1953, trước tình hình địch ráo riết triển khai thực hiện Kế hoạch Na-va, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954, xác định phương hướng chiến lược và chủ trương tác chiến của ta. Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và các nguyên tắc về chỉ đạo tác chiến là tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta: “đánh chắc thắng; đánh tiêu diệt”; chọn nơi địch sơ hở, nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, tạo và nắm thời cơ giành thắng lợi, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên nhiều hướng.
Khi tướng Na-va và bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp cho quân ồ ạt nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, ta chuyển hướng chiến lược tiến hành bao vây Điện Biên Phủ, buộc bộ chỉ huy quân Pháp phải điều động hầu hết lực lượng chủ lực ra tăng cường. Theo phương hướng chiến lược và tư tưởng chỉ đạo tác chiến chiến lược đã được xác định, ta sử dụng một số đơn vị chủ lực nhỏ, tinh nhuệ mở các cuộc tiến công trên các hướng quan trọng đánh vào các nơi địch mỏng yếu, có nhiều sơ hở, nhưng lại có vị trí chiến lược mà địch không thể bỏ qua. Đó là Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào... Trước nguy cơ bị uy hiếp ở những hướng, những khu vực chiến lược, buộc địch phải phân tán điều động tới 70 tiểu đoàn trong tổng số 80 tiểu đoàn cơ động ra các chiến trường trên toàn Đông Dương. Ta đã thành công trong việc điều động phân tán địch. Chọn Điện Biên Phủ là chọn hướng, chọn thời cơ, địa bàn mục tiêu chính xác cho cách đánh của quân ta.
Hai là, trận Điện Biên Phủ thể hiện nghệ thuật sáng tạo trong chỉ đạo tập trung lực lượng. Điện Biên Phủ là một tập đoàn mạnh nhất của quân đội Pháp ở Đông Dương, hình thức phòng ngự mới xuất hiện vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Đông Dương. Với 49 cứ điểm hình thành ba khu vực phòng ngự liên hoàn, từng cứ điểm có hệ thống lô cốt, chiến hào, hầm ngầm kiên cố với hệ thống hoả lực mạnh, được tổ chức thành nhiều cụm cứ điểm-“trung tâm đề kháng theo kiểu phức tạp” vừa có khả năng phòng ngự độc lập khá mạnh, vừa tạo thế phòng ngự liên hoàn thành nhiều tầng, nhiều hướng khó chia cắt, tập đoàn cứ điểm còn có sân bay, kho tàng, lại được liên kết chặt chẽ, tổ chức thành ba phân khu: phân khu phía Bắc gồm cứ điểm vòng ngoài là đồi Độc Lập, đồi Bản Kéo, phân khu-Trung tâm Mường Thanh, Điện Biên Phủ; phân khu phía nam là Hồng Cúm. Ngoài ra, còn có hệ thống hoả lực mặt đất và trên không rất mạnh gồm hai tiểu đoàn pháo 105 ly, một đại đội pháo 155 ly, hai đại đội súng cối 120 ly, tổng cộng khoảng 40 nòng pháo và súng cối từ 100 ly trở lên, vì vậy, Điện Biên Phủ được mệnh danh là “Pháo đài bất khả xâm phạm”.
Tiến công Điện Biên Phủ hết sức khó khăn, đòi hỏi Quân đội ta phải tạo được sức mạnh vượt bậc cả về thế và lực mới có thể giành thắng lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, hơn năm mươi ngày đêm, ta đã tập trung được một lực lượng hùng mạnh chưa từng có, đạt được ưu thế áp đảo quân địch, ta tổ chức 4 đại đoàn bộ binh chủ lực (304, 308, 312, 316 và 1 đại đoàn sơn pháo). So với các chiến dịch trước đó ta mới chỉ sử dụng từ 1 đến 2 đại đoàn bộ binh, và một đại đoàn công pháo, thì Điện Biên Phủ ta tổ chức, sử dụng và bố trí một lực lượng lớn nhất với chất lượng cao nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến. Trong tác chiến bằng cách tập trung lực lượng, phương tiện, kết hợp chặt chẽ tác chiến giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân, tự vệ đột phá từng cụm cứ điểm của địch. Dựa vào hệ thống trận địa và giao thông hào, từng bước bao vây thắt chặt vòng vây, từ đó ta chuyển hoá thế trận, tạo nên sức mạnh to lớn trong thế trận tiến công địch, tạo được sức mạh tổng hợp tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ba là, đánh chắc, tiến chắc tiến đến giành thắng lợi quyết định - nét đặc sắc nhất về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược đúng đắn của Đảng ta. Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp khẩn cấp, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Như vậy, từ chủ trương chọn nơi địch sơ hở mà đánh đến quyết định nhằm vào chỗ địch mạnh nhất (Điện Biên Phủ) mà đánh là một chủ trương kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời; thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm rất lớn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm đánh bại thực dân Pháp xâm lược.
Trước vận mệnh của dân tộc, nhiệm vụ tối cao được Đảng và Bác Hồ trao cho người cầm quân: Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhận định sáng suốt: Tình hình địch còn thay đổi nên chủ trương cũng có thể thay đổi và quyết định hoãn kế hoạch theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang chuẩn bị theo phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kịp thời đưa ra những nhận định chính xác về tình hình chiến dịch, là cơ sở cho quyết định chiến thắng của quân đội ta. Sự thay đổi về phương châm tác chiến, từ "đánh nhanh giải quyết nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc", bộ đội ta phải ba lần kéo pháo ra vào trận địa, phải dùng sức người để đẩy những khẩu pháo nặng hàng tấn vợt dốc leo đèo, đầy gian lao, nguy hiểm. Với dụng cụ thô sơ bộ đội ta phải làm hàng trăm cây số đường xuyên rừng, qua suối vào trận địa; để tiếp cận tấn công địch, bộ đội ta phải đào hàng trăm cây số giao thông hào dưới hoả lực dày đặc của kẻ địch để chiến đấu. Tất cả cho tiền tuyến, hơn 26 vạn nhân công được huy động đã chuyên chở hàng vạn tấn lương thực, đạn dược tiếp tế cho mặt trận Điện Biên Phủ
Đánh chắc, tiến chắc ở Điện Biên Phủ được thực hiện theo lối đánh gần độc đáo. Đây là cách đánh theo thế trận chiến tranh nhân dân-thế trận bố trí xen kẽ, và kết hợp tác chiến của bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích. Nét đặc sắc của lối đánh chắc, tiến chắc là cách đánh đánh gần, là “vây, lấn, tấn, diệt, chia cắt” quân địch để có điều kiện tiêu diệt nhiều sinh lực của chúng. Nét độc đáo của cách đánh gần ở Điện Biên Phủ còn là nghệ thuật chỉ đạo tiến công tiêu diệt từng bộ phận quân địch, đập vỡ từng cứ điểm phòng ngự của chúng tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
PGS, TS KHQS Trần Nam Chuân