Nên xem lại một quyết định đúng…“ ném” hàng chục tỷ đồng xuống biển (20/11/2009)
Ngày 20/10, UBND huyện Cát Hải ra thông báo số 116/ TB/ UBND, về việc tháo dỡ ô lồng nuôi trồng thuỷ sản cắm cố định trái phép trên địa bàn. Theo đó, thời gian tháo dỡ xong trước ngày 10/11/2009, quá hạn trên các chủ bè nuôi trồng thuỷ sản bằng phên dậu sẽ bị tổ chức cưỡng chế.
Đâu là nguyên nhân?
Lý giải vì sao tháo dỡ các phên dậu nuôi trồng thủy sản(NTTS), chủ tịch UBND huyện, Phạm Xuân Hoè cho biết: “… Do tốc độ phát triển NTTS vừa qua ở Cát Bà rất nhanh. Một số hộ nuôi trồng thuỷ sản ở nơi khác đến không xin phép chính quyền, tự cơi nới thêm nhiều ô lồng nuôi cá, cắm phên dậu trái phép đã làm gia tăng ô nhiễm môi trường, thay đổi dòng chảy và cản trở giao thông trên vịnh…”
Tuy nhiên, một số chủ NTTS bằng phên dậu lại cho rằng họ đã sinh sống và NTTS từ nhiều năm nay trong vùng Vịnh Cát Bà. Nơi đây đã trở thành làng cá Cát Bà ngót nghét 20 năm tồn tại. Năm 2006, ông Đinh Chính Phà lập dự án nuôi thí điểm loại cá Song Chấm trong ô lồng cắm cố định, được UBND huyện Cát Hải phê duyệt, tổng kết mô hình đạt hiệu quả cao gấp 10 lần nuôi cá trong lồng bè. Thấy vậy, nên năm 2007, gần 30 hộ dân cũng làm theo, được 48 ô lồng cố định với diện tích khoảng 6000 m2 sát chân núi trong Vụng O, Bến Bèo để nuôi cá Song Chấm.
Theo đơn cầu cứu của người dân, năm 2007, khi họ làm thì không thấy chính quyền, cơ quan chức năng nào nhắc nhở ngăn cản. Vì vậy họ chắt chiu, gom góp tiền bạc, thế chấp nhà cửa vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi loại cá này.
Điều đáng nói, sau khi dốc hết vốn liếng đầu tư được vài tháng, thì chính quyền mới ra thông báo buộc phải tự tháo dỡ trả lại mặt bằng, cảnh quan cho vùng vịnh mà không có biện pháp “cụ thể” với người dân.
Ông Phạm Minh Tâm, một trong những chủ nuôi nằm trong diện thông báo tháo dỡ nói: “Nếu nói chúng tôi phải tuân thủ nghiêm túc việc tháo dỡ, di chuyển ra khỏi địa bàn, vậy tại sao nhiều ô lồng bè khác cũng gây ra ô nhiễm, cản trở giao thông, mất mỹ quan vùng Vịnh lại không bị tháo dỡ. Trong khi đó những ô lồng bè khác rất dễ di chuyển và sắp xếp… Hơn nữa, chúng tôi bị cưỡng chế, “phóng sinh” cá ra biển theo đúng thông báo của UBND huyện thì hàng chục tỷ đồng của dân sẽ bị mất trắng. Chúng tôi chỉ “cầu xin” chính quyền cho thời gian để cá đủ ngày xuất chuồng thì chúng tôi tự dỡ bỏ trả lại mắt bằng cho huyện. Nhưng lời “cầu xin” đó của chúng tôi cũng không được chấp nhận”.
Cần một giải pháp đẹp lòng đôi bên
Ông Đinh Văn Khẳng, chủ bè đang NTTS vùng Vịnh Cát Bà từ trước năm 2005 cho biết: “… Trong số 28 hộ nằm trong diện tháo dỡ, hộ ít nhất giá trị cá cho thu hoạch lên tới 500 triệu đồng, hộ nhiều lên tới trên 2 tỷ đồng” .
Một số chủ bè khác nhẩm tính: “… nếu phá dỡ những lồng bè này “cho cá phóng sinh ra biển, tài sản, vật tư vi phạm bị tịch thu và các chủ nuôi bị cưỡng chế, trục xuất, không được phép sản xuất kinh doanh trên địa bàn” thì thiệt hại do đã đầu tư của họ ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng. Đồng thời vì trả lãi, nợ ngân hàng và tiền của đóng góp đối với nhiều gia đình cho việc đầu tư chăn nuôi này có khả năng rơi vào cảnh đường cùng, thậm chí có người sẽ phải tự tử…”.
Theo tìm hiểu của PV, lúc này người dân chỉ cần thời gian 5 đến 6 tháng nữa là thu hoạch hết cá rồi họ sẽ tự tháo dỡ. Vì cá vẫn còn nhỏ, chưa đủ ngày xuất chuồng, cho nên họ không thể thu hoạch kịp để tháo dỡ đúng thời hạn quy định. Thực tế, loại cá này chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, còn phần ít mới ra thị trường nội địa. Trong khi đó, thông báo số 116 của UBND huyện thì hạn đến ngày 9/11 vừa qua, các hộ NTTS bằng phên dậu phải tự tháo dỡ nếu không sẽ bị cưỡng chế. Theo ông Phạm Xuân Hoè, cho biết: “… ngày 23 và 24/11, UBND huyện sẽ tổ chức cưỡng chế những hộ dân cố tình không tự tháo dỡ theo thông báo. Đồng thời, UBND huyện sẽ phối hợp với Sở Thuỷ sản Hải phòng qui hoạch và sắp xếp lại làng cá Cát Bà”.
Thiết nghĩ, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta còn đang tiết kiệm, chắt bóp từng đồng xu, manh áo… để cứu trợ đồng bào nơi bị thiên tai lũ lụt. Và biết bao người lính, đồng bào trong nước bị ảnh hưởng chất độc của chiến tranh đang cần sự giúp đỡ về tài chính. Vậy mà chỉ vì một quyết định “đúng”, hàng chục tỷ đồng phải đổ xuống biển. Không có lẽ UBND huyện Cát Hải hết giải pháp !?
LTS: Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên ở các số báo tới.
Người Dân – Doanh Chính – Hữu Luân