Nên và không nên làm gì khi tắm hơi

Tắm hơi có lợi cho sức khỏe, song không phải ai và lúc nào tắm  hơi cũng có lợi. Sau đây là những việc nên và không nên khi tắm hơi.

Nên làm khi tắm hơi: Khi cơ thể khỏe mạnh, không có bệnh cấp tính thì tắm hơi mới có tác dụng tốt cho sức khỏe. Nên uống từ 1-2 cốc nước trước và sau khi tắm để bổ sung lượng nước mất do đổ mồ hôi trong quá trình tắm hơi. Nên tắm trước cho sạch da để tắm hơi có kết quả tốt. Nên lót một tấm khăn bông trên ghế hoặc quấn trên người tránh ngồi trực tiếp lên ghế, vừa tránh nhiễm khuẩn vừa bớt nóng khi ngồi hoặc nằm để tắm hơi. Tắm khoảng từ 15-30 phút tùy theo sức chịu đựng của cơ thể. Có thể khỏa thân hoặc mặc quần lót khi vào phòng tắm hơi. Ngồi hay nằm thư giãn trên băng ghế để hơi nóng mở rộng lỗ chân lông, thấm vào cơ thể. Khi ra khỏi phòng tắm hơi cần lau nhẹ thân mình cho hết mồ hôi bằng khăn bông. Theo các chuyên gia y học cổ truyền, nếu xông hơi liên tục, cơ thể sẽ bị mất nhiều dương khí và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vì vậy, bạn chỉ nên tắm hơi bình quân 2 lần/tuần.

Những điều không nên làm khi tắm hơi: Không tắm hơi khi đang có bệnh cấp tính. Các bệnh tăng huyết áp, suy tim, rối loạn nhịp tim, cơn đau tim, bệnh van tim, phụ nữ mang thai nên hỏi ý kiến bác sĩ, nếu cho phép mới được tắm hơi. Những người thường bị dị ứng, nổi mề đay, phải rất thận trọng với tắm hơi vì môi trường nóng ẩm cao dễ gây dị ứng nặng. Không nên tập thể dục trong khi tắm hơi, vì tập trong khi tắm hơi cũng giống như bạn vận động giữa nắng hè, sẽ bị mất nước và mất muối nhiều dễ dẫn đến say nóng. Không nên xông hơi rồi tắm ngay, vì sau khi xông hơi, các lỗ chân lông đang nở ra, nếu tắm ngay sẽ làm cho các lỗ chân lông co bít lại, làm giảm lưu thông máu huyết, gây ra đau nhức cơ thể và có thể bị nhiễm cảm. Bạn nên thực hiện theo trình tự: tắm trước, xông hơi xong rồi massage. Không nên xông hơi, massage sau khi ăn no sẽ không có lợi cho sức khoẻ.

Vũ Minh