Nên và không nên làm gì khi có lũ quét, lũ ống, sạt lở đất
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với vùng xoáy thấp phát triển từ mặt đất lên tới 5.000m, nên ở Bắc Bộ đã có mưa, mưa vừa, một số nơi có mưa rất to từ tối 3-8 đến sáng 4-8.
Mực nước thượng lưu hệ thống sông Hồng đang biến đổi chậm với xu thế lên. Từ ngày 5 đến 6-8, trên thượng lưu sông Hồng có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5-3m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng đạt mức báo động 1.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo: Sạt lở đất và lũ quét trên các sông suối nhỏ có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, trong đó một số địa phương có nguy cơ cao, đặc biệt cao như: Lai Châu (Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè; Nậm Nhùn, Tà Tổng), Điện Biên (Mường Lay, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Chà, Tuần Giáo, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Thuận Châu)...
Các chuyên gia khuyên nhân dân những điều nên và không nên làm khi có lũ quét, lũ ống, sạt lở đất:
Nên: Chạy thật nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm đến các khu vực đất cao hơn để trú ẩn; bảo vệ bản thân mình trước tiên, không phải là đồ đạc trong nhà; tránh xa các khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Sau khi lũ quét, tìm nguồn nước sạch để sinh hoạt; sử dụng màn khi ngủ (cả ban ngày và ban đêm) để tránh côn trùng hoặc muỗi cắn; vệ sinh khu vực nhà ở, nguồn nước sinh hoạt và khu vực vệ sinh chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình; trồng cây bảo vệ rừng.
Không nên: Không nên trú ẩn ở những khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao; không lội xuống nước nếu thấy dây điện, cột điện bị đổ xuống nước, không được chạm vào bất kỳ ổ điện nào để tránh bị điện giật; hạn chế đi lại qua sông suối sau lũ; không cho trẻ em đùa nghịch hoặc đi lại ở gần những nơi vừa xảy ra lũ quét, sạt lở đất; không dùng nước sông suối sau khi lũ xảy ra.
Nhận biết xung quanh khi sắp có sạt lở đất: Mưa nhiều ngày liên tục nhưng suối khô hạn, quan sát thấy cây cối bị nghiêng, kiến bò từng đàn...
Thành An