Nên theo một khóa tu
Không chỉ tuổi chúng mình mà kể cả tuổi trẻ, thậm chí những em nhỏ mới lớn, rồi bậc trung niên..., nhiều người cũng từng hỏi tôi “Có nên theo một khóa tu?”. Và tất nhiên tôi trả lời mà không phải nghĩ ngợi nhiều, là: rất nên.
Nhất ở tuổi sau mươi chúng mình, nam hay nữ, cố gắng thu xếp thời gian xin theo được một khóa tu thì rất tốt. Vì mấy lẽ sau: Trước hết là để “mở” nhận thức. Tôi nói thực nhé. Dù tuổi chúng mình đã ở phía bên kia của dốc cuộc đời, theo Luật thì đã “hết tuổi lao động”, nhưng không ít người vẫn hiểu không đúng về đạo Phật; kể cả đạo Thiên Chúa, ta hiểu cũng “lơ mơ”, thậm chí hiểu “lệch”.
Do hiểu lệch mà hành động lệch, dẫn đến không ít người bị “sư hổ mang” lừa cho không còn biết đúng, sai; bỏ công, bỏ của đi mua sầu muộn, u mê vào mình… Ví dụ như chuyện đầu năm vừa rồi mọi người lũ lượt đi đến chùa đóng tiền để làm lễ giâng sao, giải hạn; sắm mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã cúng ngày Rằm, mùng Một đều là không đúng với triết lý của đạo Phật... Nhìn họ làm thế, tôi rất thương họ. Thương vì họ không hiểu nên làm những việc sai như thế.
Sau một khóa tu, bạn sẽ thấy, cho dù còn những hạn chế, nhưng tư tưởng của cả Phật giáo và Thiên Chúa giáo đều mong muốn mang lại những giá trị đạo đức to lớn cho con người, giúp con người sống thân ái, yêu thương nhau trong xã hội yên bình… Đúng như Bác Hồ đã nói: “Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy...”.
Theo được khóa tu dành cho người cao tuổi chúng ta sẽ thêm “giác ngộ” về nguồn gốc, triết lý, tư tưởng của đạo Phật và đó là gốc để mình “tu tại gia” mới là cốt yếu nhất.
Còn thế nào là tu tại gia, tôi xin kể câu chuyện dưới đây:
Tôi có người bạn thân đồng niên. Hơn 30 năm trước, vợ chồng anh “lục đục” đến mức chỉ đợi ra Tòa để chia tay nhau.
Trước ngày nộp đơn ly hôn, biết tôi là bạn học cùng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với Sư thầy Thích Thanh Quyết, trụ trì chùa Phúc Khánh, Hà Nội, anh ấy nhờ tôi đưa đến xin lời khuyên củaThầy.
Sau một hồi nghe chuyện riêng của vợ chồng anh, Sư thầy Thích Thanh Quyết nhỏ nhẹ bày cho bạn tôi làm một việc trước bàn thờ gia tiên: “Một tháng liền, mỗi sáng anh đặt một bông hoa hồng trắng trên bàn thờ, thắp hương rồi tự vấn trong đầu (không nói thành lời) về những ưu, khuyết điểm của hai vợ chồng và cầu xin những điều mình mong muốn... Và nhớ từ nay không mang chuyện riêng của mình kể với người ngoài nữa”
Bạn tôi làm theo đúng như lời căn dặn của Sư thầy Thích Thanh Quyết và kết quả thật bất ngờ, hai vợ chồng đã đoàn tụ lại, sống hạnh phúc bên nhau cho đến tận bây giờ họ đã đều ngoài 60 tuổi...
Một lần tôi mang chuyện đến dãi bày và cũng là để được nhà Sư “bật mí” cho bí quyết của ông.
Nhà sư Thích Thanh Quyết nói: “Không có bí quyết gì đâu. Bạn chị tìm đến nhà Chùa là đã mong muốn vợ chồng không phải bỏ nhau. Mà muốn làm lành thì tốt nhất mỗi người hãy tự chất vấn mình, tự nhận ra thiếu sót của mình để sửa chữa. Nhưng để hiểu mình, tự nhận ra thiếu sót của mình là một trong những việc khó nhất của mỗi người. Nhất là trong những lúc giận dữ, thù oán thì khó mà hiểu đúng về mình. Chính vì thế phải cần một không gian rất tĩnh lặng, linh thiêng cho người ta thoát tục trở về với chính mình. Không phải một ngày, hai ngày mà một tháng liền anh ấy đứng trước bàn thờ để tự chất vấn mình lại càng sáng ra những việc mình làm”.
Để tôi hiểu kỹ hơn Nhà sư giải thích thêm: “Nếu hôm ấy tôi giải thích cho bạn chị như hôm nay tôi giải thích cho chị thì việc chắp tay khấn vái trước bàn thờ của bạn chị không còn “thiêng” nữa – nghĩa là đã làm hỏng một không gian tĩnh lặng, linh thiêng cho bạn chị tự bạch”.
“Hôm đó Nhà sư còn dặn bạn tôi không được mang chuyện riêng của mình kể với người khác?” - Tôi hỏi.
Nhà sư giải thích: “Điều này là lời răn dạy của nhà Phật với các môn đệ và cũng rất đúng với thực tế cuộc sống. Việc riêng, nhất lại là việc riêng tư của vợ chồng, thì chỉ vợ chồng họ mới hiểu được thôi. Mang kể với người khác vừa thành chuyện đàm tiếu, vừa không khéo nhận được những lời khuyên không đúng do người khuyên không hiểu đúng sự việc”.
Nhờ Nhà sư giải thích, tôi hiểu thêm thế nào là “tu tại gia”. Nhưng để “tu tại gia” hiệu quả thì vẫn cần phải theo học một khóa tu để “mở nhận thức” trước đã.
Tôn Mạc Ninh