Nền tảng quan trọng củng cố niềm tin của dân (18/03/2010)
Không thể “té nước theo mưa”
Cứ đến Tết, một thường lệ bất di bất dịch, giá cả hàng hóa, dịch vụ đều tăng. Giá tăng do nhu cầu tăng (ở đây là tăng cục bộ, trong một thời điểm ngắn). Sau Tết, giá cả lại hạ nhiệt, trở lại theo đúng quy luật cung - cầu. Tuy nhiên, Tết Canh Dần năm nay còn thêm một “điểm” nóng: việc tăng giá xăng và tăng giá điện đã tác động không nhỏ tới tâm lý thị trường khiến cho nhiều mặt hàng đã tăng giá.
Dẫu rằng, việc tăng giá điện, tăng giá xăng đều theo lộ trình, không phải là tăng giá bất thường... nhưng theo đó vẫn còn hiện tượng té nước theo mưa. Bộ Công thương khẳng định: Việc tăng giá điện trung bình lên 6,8% chỉ làm tăng chi phí của khu vực sản xuất công nghiệp lên 1%, không thể có chuyện vì tăng giá điện mà giá thép trên thị trường sẽ tăng 5-10% như tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam. Bộ Tài chính cũng đã có thông báo cụ thể về việc điều chỉnh giá bán than trong năm 2010, trong đó nêu rõ giá bán than vừa điều chỉnh tăng là giá bán cho ngành điện (do giá than trước đây bán cho ngành điện theo giá chính sách, chưa theo giá thị trường), còn giá bán than cho các khu vực sản xuất khác như sản xuất xi măng, phân bón... đã được điều chỉnh theo cơ chế thị trường từ những năm trước, nên không có lý do gì mà các doanh nghiệp phân bón, xi măng lại tuyên bố tăng giá sản phẩm vì giá than tăng. Đại diện của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định: Giá xăng tăng 2 lần từ đầu năm tới nay khoảng 6% nhưng chi phí ảnh hưởng chủ yếu tới vận tải taxi, còn các loại hình vận tải khác dùng dầu là chủ yếu và đến nay các doanh nghiệp vận tải chưa hề tăng giá cước. Và cơ chế giá xăng theo thị trường đã thể hiện là chiều ngày 3-3-2010, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu công bố giảm từ 300đ-500đ/lít dầu. Đây cũng được xem là yếu tố quan trọng tác động tới tâm lý tiêu dùng, giúp giảm sức căng của quả bóng giá cả hiện nay.
Cần phải có sự điều hành quyết liệt của Chính phủ
Bên cạnh yếu tố giá chi phối bởi quy luật cung cầu, đáng chú ý là tâm lý tăng giá của người tiêu dùng cũng đã góp phần tác động đến lạm phát trực tiếp. Để kiềm chế lạm phát, cần phải có sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, kiểm soát thị trường, tăng niềm tin của người dân vào sự điều hành của Chính phủ. Có thể thấy Chính phủ cũng đang tập trung đánh giá, phân tích những vấn đề liên quan đến lạm phát – bao gồm nguyên nhân và giải pháp, kiên quyết không để lạm phát cao quay trở lại. Tại Văn bản 1433/VPCP-KTTH ban hành chiều ngày 5-3, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho 4 bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện ngay một số biện pháp kiềm chế lạm phát. Văn bản này được ban hành tiếp sau 2 ngày Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường, và chỉ sau 1 tuần tính từ Văn bản 1269/VPCP-KTTH (ngày 27-2-2010) về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát trong năm 2010. Cùng với việc chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát là việc công bố giá than, giá điện chỉ điều chỉnh một lần duy nhất trong năm, còn với giá xăng, sẽ xem xét lại cơ chế điều hành, không để những lần điều chỉnh tăng giá quá dày đặc, gây bất ổn thị trường.
Sự điều hành linh hoạt của Chính phủ sẽ là nền tảng quan trọng củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp, tạo được sự đồng thuận trong xã hội để cùng vượt qua khó khăn.
Nguyễn Hoàng