Nên hay không tịch thu xe?

Việt Hưng
Gần đây, việc Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) đề nghị Chính phủ cho phép thu phương tiện đối với hành vi dùng ô tô chở hàng quá tải, điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm quy định nồng độ cồn và đi xe máy vào đường cao tốc, đã gây không ít ý kiến trái chiều.
Dư luận thấy được tinh thần trách nhiệm của UBATGTQG trước tình trạng tai nạn giao thông ngày càng trầm trọng, đồng tình cần xử phạt thật nặng các lỗi vi phạm an toàn giao thông nghiêm trọng; nhưng việc thu xe thì phần đông ý kiến cho rằng không nên, vì:
Chưa biết việc thu phương tiện vi phạm có giảm được tai nạn giao thông hay không, nhưng để thực hiện được chắc chắn sẽ vô cùng tốn kém cả về tiền bạc, nhân lực, thời gian...; phát sinh nhiều công việc, thủ tục cho các cơ quan nhà nước, như: lập biên bản tịch thu, tìm kiếm và xây cất kho bãi, tổ chức cất giữ, chuyển giao, thành lập hội đồng giám định giá, bán đấu giá, tiêu hủy... Nhiêu khê, phiền phức biết nhường nào!
Thứ đến, quyền sở hữu và bảo hộ tài sản cá nhân đã được Hiến pháp quy định, chỉ có tòa án mới có quyền tịch thu tài sản của công dân bởi một bản án. Về vấn đề này, một vị Phó chủ tịch UBATGTQG khẳng định Điều 26, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 cho phép tịch thu phương tiện trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng; nhưng như thế nào là nghiêm trọng lại rất khó xác định! Đó là chưa kể tới tình trạng lái xe vi phạm không phải là chủ phương tiện, là xe thuê mượn, xe của Nhà nước, tập thể. Nếu quy định tịch thu phương tiện không thuộc sở hữu của người điều khiển thì sẽ trái với Hiến pháp.
Việc tịch thu xe không quy định chặt chẽ, tràn lan rất dễ phát sinh hối lộ, tham nhũng, bởi lẽ ranh giới nồng độ cồn giữa mức phải nộp phạt (80 mg/100ml) với mức phải thu phương tiện (81mg) là rất mong manh... Trong khi thực trạng ăn hối lộ trong kiểm tra, kiểm soát giao thông đang là vấn nạn.
Không như nhiều nước khác, ô tô, xe máy phần lớn là phương tiện đi lại, làm ăn, có khi là cả gia tài của người Việt ta. Vì vậy việc tịch thu xe sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đại bộ phận nhân dân. Cũng vì là tài sản lớn, nên khi vi phạm, người dân sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để hối lộ, khỏi bị tịch thu xe. Cũng không loại trừ tình trạng khiếu nại, kiện cáo khi bị thu xe... sẽ gây ra biết bao phiền phức trong xã hội.
Ngay cả tính khả thi trong trường hợp Chính phủ đồng ý với đề nghị trên cũng phải bàn. Hãy ngó ra các cảng biển của ta, chỉ mấy con tàu vô chủ, mấy lô công-te-nơ vô chủ, cần biến nhanh thành sắt vụn, thế mà ngành này, bộ này đùn đẩy ngành kia, bộ kia, để rồi năm qua tháng lại vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Hay việc thu phí xe máy một thời cũng tiền hô hậu ủng, nhưng rồi chết yểu không biết tự khi nào?
Thay vì một quyết định mới sẽ gây không ít phiền phức, hệ lụy cho người dân, cho xã hội, nên chăng hãy xử phạt thật nặng các lỗi vi phạm, tạm giữ có thời hạn phương tiện vi phạm, tước giấy phép của người điều khiển phương tiện... Tin chắc người dân sẽ tâm phục, khẩu phục hơn!
V.H