Nên duyên từ khám lớn Sài Gòn (29/08/2011)
Thật thú vị khi giữa vịnh Bái Tử Long đầy sóng gió này, có giọng nói của bà mẹ người Nam Bộ. Câu chuyện về cuộc đời chiến đấu gắn quyện với tình yêu của hai ông bà Hoàng Văn Đức và "cô Chín" Phạm Thị Tám đã cuốn hút tôi.
"... Ngày ấy, tôi nhập vào đơn vị nghĩa quân của Tư lệnh Đệ tứ chiến khu Nguyễn Bình ở vùng Đông Triều, hoạt động du kích. Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi được nhận vào đại đội Ký Con, một trong số đơn vị giải phóng chủ lực đầu tiên ở vùng Đông Bắc. Thời kỳ đó, vùng này nhiều đảo còn hoang sơ, là chỗ trú chân của bọn cướp biển, thổ phỉ. Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở các nơi thì hơn 500 quân Pháp đã quay lại chiếm đảo Cô Tô, Vạn Hoa... rồi Sư đoàn 62 quân Tưởng tràn vào cùng bọn Việt Quốc, Việt Cách, thổ phỉ nổi lên như nấm sau mưa, cướp phá khắp nơi. Đại đội Ký Con chúng tôi theo lệnh của Tư lệnh Nguyễn Bình đã cùng lực lượng địa phương và nhân dân tiếp tục chiến đấu làm chủ vùng biển đảo.
Giữa lúc đó, ngày 23-9, bọn Pháp núp sau lưng quân Anh trở lại gây hấn ở Nam Bộ, khắp nơi sục sôi phong trào "Nam tiến", thế là tôi xung phong vào đội quân này, đi thẳng vào Nam Bộ đánh Pháp. Cho đến năm 1948, đang hoạt động ở Nam Bộ thì tôi bị địch bắt về giam ở Khám Lớn Sài Gòn... Và ở đây, tôi đã gặp bạn tù là một cô gái người Nam Bộ có tên là cô Chín... "cô Chín" sinh ra ở Đà Nẵng, gần khu chợ Cồn, nhưng từ bé phải theo ba má phiêu dạt kiếm sống tận Thủ Thiêm, trong xóm lao động nghèo, bên bến tàu ở khu Nhà Rồng bây giờ. Năm 1939-1940, lúc 17-18 tuổi, nhờ được anh em giác ngộ, "cô Chín" bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, rồi tham gia tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn. Nước nhà vừa mới giành được độc lập thì ngày 23-9, Pháp quay lại nổ súng gây hấn, thế là cô thoát ly, công tác tại Ban 8, làm giao thông liên lạc bí mật. Đến năm 1948, vì lộ, nên bị bắt vào Khám Lớn Sài Gòn...".
Tại nhà lao Khám Lớn, hai người tù, chàng trai nghèo miền Bắc - cô gái miền Nam gặp nhau, là đồng chí của nhau, thương yêu giúp đỡ nhau. Và rồi, tình yêu đã nảy nở, tiếp thêm sức mạnh cho hai người vượt qua sự tra tấn, đầy ải của kẻ thù, giữ vững tinh thần chiến đấu. Sau hơn hai năm bị giam giữ, đến năm 1950 thì cả hai cùng được trả tự do. Ra khỏi nhà lao, hai nguời giữ lời hẹn ước đã kết duyên với nhau, vài năm sau sinh con trai đầu lòng. Vợ chồng vừa nuôi con nhỏ, vừa tiếp tục tham gia kháng chiến.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, có Hiệp định Giơ-ne-vơ rồi, song còn chờ thêm 1 năm cho đến khi Pháp rút khỏi khu vực tập kết 300 ngày, đến tháng 8-1995, cô mới được cùng chồng và bao cán bộ lên tàu tập kết. Lần đầu tiên "cô Chín" được ra miền Bắc, lúc mới 33 xuân xanh... Hai vợ chồng về quê đảo Ngọc. Quê chồng tên đẹp, cảnh cũng rất đẹp, nhưng xa đất liền và quanh năm đầy sóng gió bão táp. Ruộng đất ít mà nước ngọt chỉ trông chờ vào mưa trời nên sản xuất bấp bênh, nghèo thiếu quanh năm. Nhưng tình cảm của người làng đảo thì không thiếu, chân chất, mạnh mẽ như biển mênh mông. "Rời tay súng," hai người lại cùng "chung tay cuốc" trồng lúa, trồng khoai, bám biển nuôi con. Chính trị viên Bá An kể rằng, những năm chống chiến tranh phá hoại, tàu chiến Mỹ ngày đêm phong toả, máy bay Mỹ bắn phá, thì đảo Ngọc trở thành pháo đài nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Má Chín là một cán bộ phụ nữ của đảo nhiều năm, ngày đêm cùng chị em vừa sản xuất vừa phục vụ bộ đội chiến đấu giữ đảo, khi đào hầm hào, đắp trận địa, lúc chuyển thương, tiếp đạn cho bộ đội, chăm sóc anh em thương binh hoặc lúc ốm đau như một người mẹ... Chính má và chị em trên đảo cũng là những chiến sĩ đã góp phần làm nên chiến công bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 của Quảng Ninh hồi đó...
Năm tháng cứ trôi, nhưng giữa đảo Ngọc xa xôi này còn âm vang mãi câu chuyện tình đầy cảm động của chàng trai đảo Ngọc và cô gái bến Nhà Rồng năm ấy...
Trần Hồ Nam Hải