Tấm lòng CCB hướng về Điện Biên Phủ
Năm nay, mới đầu hè mà gió Lào đã về sớm, không khí trong “lòng chảo” trở nên khô nóng, oi ả. Vậy mà giữa trưa dưới chân tượng đài Chiến thắng Điện Biên trên đồi D1 không có lấy một bóng râm, từng đoàn khách tham quan vẫn chăm chú lắng nghe các cô hướng dẫn viên mặc trang phục Thái kể về những chiến tích anh hùng. Thật may vì đây lại là thời điểm trời quang đãng nhất, mọi người tha hồ ngắm nhìn quang cảnh của thành phố ở độ cao lý tưởng này. Tuyến phố Trần Đăng Ninh thẳng tắp, với những toà nhà cao tầng san sát hai bên đường, hướng tầm mắt của du khách tới cánh đồng Mường Thanh rộng mênh mông như một tấm thảm khổng lồ được điểm tô bởi màu xanh mướt của lúa đương thì con gái; xa xa một chiếc máy bay vừa cất cánh từ sân bay Mường Thanh thấp thoáng trong làn hơi mỏng. “Trở lại đây sau 10 năm, Điện Biên đẹp lên nhiều lắm. Các di tích đều được tu bổ khang trang. Chỉ tiếc năm nay mùa hoa ban hết sớm. Tôi mong có sức khỏe để đến dịp kỷ niệm 70 năm lại có thể lên đây” - anh Hoàng Tiến Lung, hội viên CCB phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh tâm sự.
Từ sáng sớm, bên cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm đã có vài nhóm du khách đứng quây quần nói chuyện, chụp ảnh. Hỏi ra, tôi mới biết họ đều là CCB. Hình ảnh cây cầu lịch sử thì quá đỗi quen thuộc rồi, nhưng ai cũng muốn đến để chụp một bức ảnh kỷ niệm hay chỉ để được nhìn ngắm, được tận tay sờ vào những thanh sắt thành cầu, được nghe cái âm thanh lách cách của những miếng ván gỗ lát cầu va vào nhau mỗi khi có phương tiện qua lại… Cách đấy không xa là hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát. Trong căn hầm chật chội, ngột ngạt vì thiếu không khí vẫn vang lên tiếng cười thích thú của những cựu chiến sĩ Điện Biên tỉnh Hải Dương khi cô hướng dẫn viên kể về sự hèn nhát của viên tướng Đờ Cát. Trước tình thế nguy cấp, ông ta hứa với cấp trên sẽ “tử thủ” đến cùng, vậy mà ngay sau đó trong cuộc nói chuyện qua điện thoại với vợ, ông hứa là sẽ trở về nhà. Lịch sử đã chứng minh vị tướng này giữ lời hứa với ai! Còn ở Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi lại bắt gặp một người lính già lặng lẽ xúc động ngồi bên mô hình bếp Hoàng Cầm. Bác là Lê Văn Kim ở Hà Nội, cách đây 60 năm, ở tuổi 16, bác tình nguyện đi theo đoàn dân công hỏa tuyến lên Tây Bắc, rồi tham gia việc nấu cơm, đưa cơm cho các chiến sĩ ở tuyến đầu.
Đến bất cứ điểm di tích nào, tôi cũng gặp những CCB trong quân phục chỉnh tề, trên ngực lấp lánh huân, huy chương. Như chị Chu Thị Hải Anh, cán bộ Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đơn vị được giao quản lý tất cả các đoàn khách tới thăm quan các di tích trong thành phố, cho biết, mỗi ngày có khoảng ba, bốn chục đoàn khách mà đa số là CCB, trong đó có nhiều người là chiến sĩ Điện Biên năm xưa.
Những người lính Bộ đội Cụ Hồ là thế đấy! Chẳng ngại đường xá xa xôi, chẳng nề tuổi tác, họ về với chiến trường xưa, về với những người đã ngã xuống để tri ân và chứng kiến những đổi thay trên vùng đất lịch sử này. Cụ Nguyễn Duy Tân năm nay 90 tuổi, hội viên CCB huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên nói: “Tôi nhất định phải về Mường Thanh vào dịp này, có lẽ đây sẽ là lần cuối cùng, nhưng thế là mãn nguyện lắm rồi!”.

Điện Biên với đại lễ
Dọc hai bên tuyến đường đôi đẹp nhất của tỉnh, đoạn quốc lộ 279 chạy qua địa phận TP Điện Biên Phủ, có rất nhiều di tích như đồi Him Lam, đồi C1, Nghĩa trang A1, Tượng đài Chiến thắng, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ... Tới đây, tôi mới thực sự hiểu vì sao nhân dân và lãnh đạo tỉnh Điện Biên lại muốn con đường này mang tên Võ Nguyên Giáp - linh hồn của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện nay, việc xây dựng, tu tạo một số điểm di tích đang đi vào những công đoạn cuối cùng để phục vụ các chương trình của đại lễ.
Theo ông Mùa A Sơn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, để chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã rà soát và chuẩn bị các khách sạn, nhà nghỉ, đảm bảo phục vụ 4.000 lượt khách trong một ngày. Dự kiến, sẽ có nhiều lãnh đạo, bạn bè quốc tế, các phóng viên báo đài trong và ngoài nước cũng sẽ tham dự sự kiện này. Ông cho biết, hoạt động được chú ý nhất trong ngày 7-5 là lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành được tổ chức tại sân vận động tỉnh với sự tham gia của khoảng 15.000 người thuộc các lực lượng vũ trang, thanh, thiếu niên và khối dân tộc các tỉnh Tây Bắc.
Tôi về Lữ đoàn 82 vì được biết đây một trong những đơn vị tham gia diễu binh. Trung tá Cao Xuân Thành, Phó chính ủy Lữ đoàn cho biết: Đơn vị thực hiện nhiệm vụ luyện tập đội ngũ khối, phục vụ diễu duyệt từ tháng 2 đến nay để tham gia vào 4 khối: Khối sĩ quan Hải quân đi và đứng, khối hồng kỳ, khối chiến sĩ Điện Biên năm xưa; ngoài ra còn có 1.300 chiến sĩ tham gia xếp hình, xếp chữ. Mặc dù, lúc tôi ra bãi tập đã vào cuối buổi chiều, nhưng không khí, tinh thần tập luyện của các chiến sĩ vẫn rất nghiêm túc. Mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt đen sạm, rắn rỏi của những chiến sĩ trẻ. Trả lời cho câu hỏi của tôi vì sao lại có hai khối chiến sĩ mang quân hàm xanh, anh Thành giải thích, đó là hai khối do bên Biên phòng gửi sang để học hỏi phương pháp tập luyện. Còn Đại úy Chu Đại Phong, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 5 và là Chính trị viên phó khối sĩ quan Hải quân hồ hởi tâm sự: Luyện tập diễu duyệt phải qua nhiều giai đoạn, tập cá nhân, tổng hợp, tập trong đội hình… rất tốn thời gian. Chính vì vậy, ngoài cường độ, tập luyện còn đòi hỏi rất cao về ý thức tự giác, ý chí và tinh thần đoàn kết. Trong đợt kiểm tra vừa qua, Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đã đánh giá cao kết quả tập luyện của Lữ đoàn 82.
Tỉnh Điện Biên đang tràn đầy khí thế chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của đất nước với mong muốn chương trình kỷ niệm sẽ xứng đáng với ý nghĩa, tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bài và ảnh: Hồ Thanh Hương