Nặng tình với quê hương (17/12/2010)
Là kĩ sư nông nghiệp, anh được giao nhiệm vụ Trưởng ban khuyến nông xã Phú Lâm. Đây là xã có diện tích canh tác lớn nhất huyện Tiên Du với hơn 899 mẫu. Mười năm (1994 -2004), chỉ đạo công tác khuyến nông, anh đã góp phần đưa xã Phú Lâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo phương thức sản xuất hàng hoá. Đến nay, xã Phú Lâm đã quy hoạch 100ha canh tác ở thôn Giới Tế chuyển sang trồng hoa, cây cảnh, nguồn thu mỗi năm hơn 6 tỷ đồng; trên 70ha đồng trũng chuyển sang phát triển kinh tế trang trại theo mô hình VAC; gần 400ha lúa hàng hoá được đưa vào thâm canh với giống lúa có tiềm năng năng suất cao như Q5, khang dân, X23, lai hai dòng...
Hơn 300ha canh tác lúa còn lại cấy giống lúa lai, lúa thuần Trung Quốc; các tiến bộ khoa học kỹ thuật được vận dụng vào sản xuất, góp phần đưa năng suất lúa của xã lên 62 tạ/ha, sản lượng gần 5.000 tấn/năm, mức lương thực bình quân đầu người trên 600 kg/năm. Ngoài lượng thóc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong đời sống nhân dân, mỗi năm xã Phú Lâm xuất ra thị trường 1.200 – 1.500 tấn lúa hàng hoá, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Là con liệt sĩ, đầu năm 2005, Huy được điều động sang công tác TBXH. Với một xã có tới 267 đối tượng chính sách, mỗi tháng mức trợ cấp Nhà nước chi trả 219 triệu đồng; để trao tiền trợ cấp và lương đến tay đối tượng chính sách đúng kì, đủ số, đảm bảo chế độ kịp thời, ở cả 5 thôn trong xã, anh xây dựng tổ liên lạc TBXH; thông qua các tổ cấp phát tiền đến tay đối tượng nhanh chóng, kịp thời. Tổ liên lạc TBXH còn là cầu nối giữa các đối tượng với Ban TBXH, với Đảng bộ, chính quyền xã. Mọi ý kiến, kiến nghị của các đối tượng chính sách được giải quyết kịp thời, tạo niềm tin với các gia đình. Là Phó ban TBXH xã (chủ tịch UBND làm Trưởng ban), anh đã tích cực tham mưu với Đảng bộ, chính quyền xã, quan tâm chăm lo đời sống các đối tượng chính sách. Đến nay, 100% số gia đình đối tượng chính sách ở xã Phú Lâm được cấp sổ tiết kiệm tình nghĩa; đời sống của các gia đình đối tượng chính sách ổn định và ngày càng được cải thiện; số hộ khá, giàu chiếm 60%; số hộ nghèo chỉ còn 3%.
Là kĩ sư nông nghiệp sống ở vùng quê trồng hoa, cây cảnh, vừa làm tốt công tác xã hội, Nguyễn Ngọc Huy còn làm kinh tế giỏi ở trên quê hương. Năm 2004, anh chuyển đổi hơn 1ha canh tác của gia đình và nhận thầu của tập thể, thành lập công ty cây xanh. Ban đầu khởi nghiệp, thiếu vốn, anh vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT hơn 10 triệu đồng và dồn hết vốn liếng tích luỹ của gia đình, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua cây giống các loại: sanh, si, sứ, cau vua, trúc Nhật, trà hoa... Anh tới các vùng Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội), Nam Điền (Nam Định) học kỹ thuật thâm canh, chiết ghép cây cảnh. Anh vừa sản xuất, vừa kinh doanh cây cảnh, vừa mở rộng mối quan hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và các vùng lân cận để phát triển dịch vụ trồng hoa, cây cảnh, tô đẹp cảnh quan môi trường công sở. Anh thu hút 20 lao động vào công ty sản xuất cây cảnh, tạo đủ việc làm cho họ với mức thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Nhờ phát triển sản xuất kinh doanh cây cảnh, mỗi năm, doanh thu của công ty đạt 2 đến 2,5 tỷ đồng. Cuộc sống của gia đình anh ngày càng khá giả. Anh được tỉnh Bắc Ninh cử đi báo cáo điển hình toàn quốc tại tỉnh Bến Tre.
Sơn Trà