Khi nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, các nhà ngôn ngữ học đã thống nhất đưa vào Đại từ điển Tiếng Việt khái niệm về văn hóa hết sức rộng lớn, đó là: “Những giá trị vật chất, tinh thần do con người tạo ra trong lịch sử; là đời sống tinh thần của con người; là tri thức khoa học, trình độ học vấn; là lối sống, cách ứng xử có trình độ cao, biểu hiện văn minh, là nền văn hóa một thời kỳ lịch sử cổ xưa, xác định được được nhờ tổng thể các di vật tìm được có những đặc điểm chung”.

Từ định nghĩa trên, cho thấy văn hóa là một phạm trù có tính bao trùm lên toàn bộ các hoạt động của con người cả về tư duy và hoạt đông thực tiễn. Nói cách khác, ở đâu có sự hiện diện của con người thì ở đó có văn hóa. Chính vì thế, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội, ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Điều này được hiểu là muốn bảo vệ dân tộc thì trước hết phải bảo vệ nền văn hóa do dân tộc đó sinh ra trong quá trình xây dựng và phát triển.

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống văn hóa lâu đời qua mấy nghìn năm lịch sử, có thể kể đến một số giai đoạn phát triển văn hóa của các dân tộc Việt Nam từng thời kỳ, như Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Óc Eo, Văn hóa Chăm Pa, Văn hóa Sa Huỳnh…

Những năm vừa qua, để giữ gìn bảo vệ, quảng bá nền văn hóa dân tộc, chúng ta đã lập nhiều dự án văn hóa trình tổ chức UNESCO của Liên Hợp quốc để được công nhận là các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, bên cạnh các di sản văn hóa đã được thế giới cộng nhận như cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn…

Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ các di sản văn hóa của dân tộc để khẳng định thế đứng của Việt Nam trong nền văn minh đa dạng của toàn cầu, cũng là cách để tuyền tuyền giáo dục cho các thế hệ con cháu về nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của tổ tiên ta.

Mặt khác, chúng ta vừa biết chọn lọc tiếp thu những nét đẹp của tinh hoa văn hóa thế giới, vừa đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm sai trái về tư duy và hành xử văn hóa trái với truyền thống, đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc ta; kiên quyết đấu tranh, phê phán, tẩy chay lối sống lai căng thực dụng, chạy theo thị hiếu tầm thường, đua đòi theo những “điều lạ” để “nổi tiếng” một cách vô tội vạ, bất chấp luân thường đạo lý…

Nói chung là chúng ta không bao giờ chung sống với văn hóa độc hại, bởi không phải ngẫu nhiên mà toàn dân hưởng ứng, mong muốn Đảng và Nhà nước cần phải có những giải pháp, chính sách phù hợp hơn, mạnh mẽ hơn, hữu hiệu hơn để đưa Nghị quyết Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 vào cuộc sống, nhằm hiện thực hóa các giá trị của con người Việt trong giai đoạn mới.

Tháng 7-1998, tại Hội nghị lần thứ 5 (Khóa VIII), T.Ư Đảng ra nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” với những quan điểm cơ bản sau: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội…; văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tiên tiến là yêu nước và tiến bộ, trong đó cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH theo Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh…; nền văn hóa Việt Nam thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây là tư tưởng tiến bộ và nhân văn, phù hợp với thực tiễn của cộng đồng 54 dân tộc đang sinh sống ở Việt Nam; xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng…; văn hóa là một mặt trận. Xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng…

Thực tiễn chứng minh, qua hơn 23 năm thực hiện nghị quyết chuyên đề nêu trên, đã mang lại nhiều thành quả hết sức tốt đẹp, kinh tế - xã hội đất nước không ngừng phát triển, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được bảo đảm, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện nâng cao, cho thấy những quan điểm nêu trong Nghị quyết đến nay vẫn mang giá trị thời cuộc.

Cũng từ bản sắc văn hóa dân tộc được giữ vững mà vị thế chính trị nước ta được ngày càng củng cố, năng cao trên trường quốc tế; được bầu bạn năm châu khâm phục tin tưởng. Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua càng góp phần khẳng định mạnh mẽ, nền văn hóa Việt Nam sẽ tiếp tục được bảo vệ, giữ gìn, nâng tầm giá trị, xứng đáng hơn nữa với kỳ vọng của nhân dân.                  

                                     Mai Mộng Tưởng