Không khó để có thể nhận ra cảnh người lao động nhiều nơi “ăn cắp” thời gian lao động bằng cách đi muộn về sớm, hoặc đến đúng giờ, về đúng giờ nhưng sau khi nhận việc xong là tìm cách trốn việc bằng cách túm tụm ngồi trong bóng mát “buôn dưa lê” hàng tiếng đồng hồ, tán chuyện với nhau về tình duyên, cờ bạc đề đóm, chuyện về đời tư các “sếp”, ăn quà vặt, thậm chí là tìm chỗ kín làm một giấc ngủ cho đến khi gần hết giờ làm việc. Với những người lao động như thế này, tình hình chỉ được cải thiện khi có đoàn kiểm tra hoặc đến cuối tháng, cuối quý tổng kết công việc, họ mới “vắt chân lên cổ” để làm một cách qua loa để che mắt thiên hạ, coi như là đã hoàn thành công việc cốt để lĩnh lương. Hiện nay, tại nhiều doanh nghiệp, cơ quan, kỷ luật lao động, nhất là về thời gian được quản lý chặt chẽ hơn, nhưng do nhiều nguyên nhân như trình độ lao động, môi trường làm việc, sức khỏe người lao động, sự không tập trung vào chuyên môn nên năng suất làm việc của nhiều người lao động vẫn rất thấp. Theo thống kê chưa đầy đủ, năng suất làm việc của người lao động nước ta chỉ bằng 30-40% năng suất lao động của khu vực. Đối với một số người lao động trong lĩnh vực kỹ thuật đòi hỏi trình độ chất xám cao cũng xảy ra nhiều hiện tượng như làm không hết giờ, đầu tư không hết thực lực và những gì tốt nhất, đầy đủ nhất cho công việc mà “dành võ” để “chờ thời” kiếm ăn riêng, chẻ một dự án có thể thành rất nhiều dự án nhỏ để đề nghị tăng vốn đầu tư…
Nâng cao năng suất làm việc của người lao động là chìa khóa để nâng cao thu nhập thực tế. Người tích cực, có năng suất lao động cao có nhiều nhưng người “khôn”, năng suất lao động thực tế thấp cũng không ít. Nói nhiều, nhưng quan trọng nhất là làm, mà làm thì bắt nguồn từ chính chúng ta.
Lan Hương