Nâng niu cuốn sách: Trung đoàn 52 Tây Tiến- 70 năm Chiến thắng lịch sử Mường Láp, Hủa Phăn-Lào ( 1945_2015)
Thế rồi lật từng trang sách, đọc những dòng từ ruột gan của các nhân chứng như cụ Nguyễn Xuân Sâm, người lính Tây Tiến tham gia trận chiến này duy nhất còn sống và hai cụ Nguyên Văn Khuông, Nguyễn Văn Uyển là những Việt Kiều yêu nước tại Lào lúc đó đón quân Tây Tiến từ Việt Nam sang, giúp họ hoàn thành nhiệm vụ, những thắc mắc trong tôi dần dần được giải mã. Tôi tin rằng các độc giả khác cũng giống tôi, có cảm xúc tự hào với những gì mà thế hệ cha ông mình đã dâng hiến.
Với 300 trang sách được chia thành 3 phần. Phần thứ nhất : “Tây Tiến hơn bảy thập kỷ hào hùng” gồm những bài tham luận của các nhân chứng tham gia trận chiến Mường Láp và những nhà nghiên cứu lịch sử quân sự của Việt Nam và nước bạn Lào tại cuộc Hội thảo “70 năm chiến thắng Mường Láp ( 20-10-1945/ 20-10-2015). Rất nhiều chi tiết, tư liệu quí đã được thể hiện trong các tham luận này, cho độc giả hình dung quá trình hình thành và phát triển của đoàn binh từ một “Đội trinh sát miền Tây” trở thành Trung đoàn 52 Tây Tiến anh hùng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhận rõ vị trí chiến lược trọng yếu của địa bàn miền Tây và những khó khăn trong tiến trình cách mạng nơi đây, Trung ương Đảng đã cử nhiều cán bộ và lực lượng vũ trang lên vùng Thượng Lào xây dựng và bảo vệ chính quyền, đấu tranh chống các âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực phản động, ngăn chặn mưu đồ tái xâm lược của thực dân Pháp.
Đi theo tiếng gọi của Đảng, của dân tộc, những thanh niên tuổi mới đôi mươi, phần lớn là những chàng trai cô gái Hà Nội tràn đầy sức trẻ từ khắp nông thôn đến thành thị đã náo nức gia nhập đoàn quân Tây Tiến, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cách mạng và kháng chiến của dân tộc, vì độc lập, tự do, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đoàn quân ấy ban đầu mang tên "Đội vũ trang trinh sát miền Tây" do đồng chí Lê Hiến Mai, đại diện Chính phủ dẫn đầu, dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Anh Đệ, Đội phó Tuấn Sơn cùng hàng trăm chiến sĩ hành quân từ Hà Nội lên Mộc Châu, vượt cửa khẩu Pa Háng, tiến sang Sầm Nưa, thủ phủ tỉnh Hủa Phăn, Lào. Tại đây, các chiến sĩ Tây Tiến Quân đội nhân dân Việt Nam được sự giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào, đã sát cánh cùng với các lực lượng yêu nước Lào đánh trận đầu tiên tập kích quân Pháp tại Mường Láp. Trận đánh Mường Láp đã giành chiến thắng vang dội vào ngày 20/10/1945, đánh dấu một mốc son trong lịch sử quân sự hai nước Việt - Lào, là một trong những viên gạch đầu tiên xây đắp nên tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Tới ngày 27-2-1947, Trung đoàn 52 Tây Tiến chính thức được thành lập, phát huy truyền thống tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, đoàn kết gắn bó tình quân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lập nên “thế trận lòng dân” ở miền Tây của Tổ quốc. Tiếp đến những năm kháng chiến chông Mỹ cứu nước, các chiến sĩ Tây Tiến lại tiếp tục tham gia vào cuộc kháng chiến trường kỳ, giành nhiều chiến công vang dội tại Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào..., góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại ngày 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bên cạnh các tham luận, nhiều bài viết ở Phần I cũng cho độc giả hình dung chân dung của Anh Bộ đội Tây Tiến tài hoa mà rất anh dũng trong chiến đấu, khiến cho kẻ thù khiếp sợ và kính nể, góp phần xây nên bề dày lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam hơn bảy thập kỷ hào hùng.
Phần II-“Trung đoàn 52 Tây Tiến đồng hành cùng dân tộc và thế hệ trẻ” gồm các bài báo đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng một số bài viết của con em các CCB Tây Tiến chia sẻ cảm xúc về thế hệ cha ông là những bức tranh sống động về cuộc sống đời thường của những người lính sau khi hoàn thành nhiệm vụ quân sự trở về địa phương với nhiều cương vị, công việc khác nhau vẫn tiếp tục truyền lửa cho con cháu bằng những tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa, bằng những hoạt động nghĩa tình hành hương về lại những miền đất mà đồng bào từng nuôi dưỡng bộ đội Tây Tiến. Những người con của bộ đội Tây Tiến hôm nay lại tiếp tục giữ lửa truyền thống của Trung đoàn 52 Tây Tiến, thay mặt các cụ đã tuổi cao sức yếu duy trì các hoạt động tri ân và khuyến học, ưu tiên đặc biệt các trường học mang tên Tây Tiến ở vùng sâu vùng xa.
Phần III- “Tây Tiến Thơ-Nhạc- Họa” là những tác phẩm văn học và nghệ thuật của chính những người lính hào hoa trong binh đoàn Tây Tiến như nhà thơ Quang Dũng, nhạc sĩ Doãn Quang Khải, nhạc sĩ-liệt sĩ-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Như Trang, họa sĩ Văn Đa, họa sĩ Quang Thọ và một số tác phẩm thơ, nhạc của các nhạc sĩ hôm nay và của thế hệ con cháu CCB Tây Tiến nói lên cảm xúc của mình đối với người ông, người cha, người mẹ hay anh của mình. Người đọc thật xúc động khi đọc những câu thơ thốt ra từ trái tim người con của anh Quang Hải, con trai họa sĩ Quang Thọ sau chuyến hành hương Mộc Châu:
“Hôm nay con được về đâyNơi bố hẳn đã từng len chân đất, bên lèn đá nhọn, lá khô, thác đổ, lũ nguồn Dấn thân gầy, rẽ lau, chém sậy, chặt cây, bẩy đá.... Mịt mùng trấn biên cương.... tìm lối sa trường Lẩy bẩy, run run cơn sốt rét đại ngànLòng mơ Hà Nội Ọt ẹt dạ dày, khát miếng sắn thiu, thèm mùi ngô hẩmNhớ dáng Kiều thơm……Các anh ơi ....! Sao cứ mãi khúc độc hành bi tráng ?Từ dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu...Các anh ơi ....!Về đi !!! ”
40 bài viết và hơn 10 tác phẩm thơ, nhạc, họa , cuốn sách chưa phải đã nói hết những thành tựu, chiến công mà người lính Tây Tiến đã giành được trong điều kiện muôn ngàn gian khổ cũng như những hoạt động phong phú mang ý nghĩa giữ lửa Tây Tiến mà lớp cháu con của họ đang duy trì. Song cuốn sách “Trung đoàn 52 Tây Tiến- 70 năm Chiến thắng lịch sử Mường Láp, Hủa Phăn-Lào ( 1945_2015)” đã một lần nữa ôn lại cuộc chiến đấu gian lao mà anh dũng trên mặt trận miền Tây của Tổ quốc trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, kể về những kỷ niệm không thể nào quên trong chiến thắng đầu tiên của Trung đoàn 52 Tây Tiến ở Mường Láp, Hủa Phăn, Lào, đồng thời khẳng định vị trí, ý nghĩa của chiến thắng này trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở cả Việt Nam và nước bạn Lào. Mỗi bài viết, mỗi câu chuyện, lời kể của các cựu chiến binh Tây Tiến đã làm sống dậy một quá khứ hào hùng, oanh liệt và bi tráng, sống dậy sức trẻ, niềm tin một thời của các thanh niên Hà Nội sẵn sàng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trên đường Tây Tiến .
Thanh Thủy