Vào chiến dịch, Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng với đội hình hơn 1.400 xe, pháo, hầu hết là cơ giới hạng nặng cùng gần một vạn quân phải vượt sông Bé. Mọi yếu tố thắng lợi lúc này của Binh đoàn gần như tùy thuộc vào việc làm ngầm cho xe pháo vượt sông, do Lữ đoàn công binh 299 đảm trách. Thời gian vẻn vẹn 4 ngày. Trong khi địa hình bến vượt rất hiểm trở; máy bay địch liên tục trinh sát, sẵn sàng oanh tạc; các xe công trình, thuốc nổ, vật tư... đang trên đường hành quân, chưa lên kịp... Sông Bé chảy cuồn cuộn, như thách thức.
Nhận nhiệm vụ xong, Lữ đoàn trưởng Vũ Trọng Hà và Chính ủy Tạ Thân cùng một đoàn cán bộ đi trinh sát thực địa, chọn chỗ sông hẹp nhất làm bến vượt. Cắm tuyến xong, Lữ đoàn trưởng nói với Chính ủy và anh em:

  • Một giây phút lúc này là lực lượng, là xương máu; các đồng chí hãy cùng chỉ huy Lữ đoàn suy nghĩ mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ được giao... Xe máy, thuốc nổ, khí tài rồi sẽ có, nhưng nhiệm vụ cấp thiết nhất lúc này là chúng ta tập trung lực lượng tại chỗ để nâng đáy sông Bé lên độ cao cần thiết. Ở đây không có núi. Lấy đá ở xa phải có phương tiện và thời gian... Ngầm rộng 40m; dài 70-80m, nâng cao 2-3m, là cả một núi vật liệu. Chúng ta không thể lùi được nữa...
    Theo phân công của chỉ huy lữ đoàn, Đại đội 1 (đồng chí Bùi Nguyên Giá - Đại đội trưởng) phụ trách phía bắc ngầm; Đại đội 3 (đồng chí Phạm Văn Bình - Đại đội trưởng) phụ trách phía nam. Gay go nhất vẫn là tìm nguyên liệu để thả xuống lòng sông đang chảy xiết. Đại đội 1 chia quân đi dọc bờ sông tìm đá. Đại đội 3 rải quân mò dọc bờ sông nhặt những hòn cuội như quả dưa, qua bưởi, chuyền tay nhau thả xuống sông, nhưng đều bị nước cuốn phăng. Gần một đêm, anh dầm mình dưới nước mà chẳng khác công dã tràng.
    Chính ủy và Lữ đoàn trưởng nhìn anh em ngâm mình trong nước, đầy ái ngại. Dưới ánh trăng lờ mờ, những ngọn tre dọc bờ sông kẽo kẹt trong gió, tạo nên những nét vẽ trên nền trời đêm rất thơ mộng. Bằng cảm thụ trận mạc và trải nghiệm của một người chỉ huy, Vũ Trong Hà hào hứng bật ra hai từ: Tre. Tre! Đúng rồi Tạ Thân ơi! Phải biến nhiều viên cuội thành tảng đá lớn bằng những chiếc rọ tre, sọt tre...
    Ngày 20-4, cả Lữ đoàn như một công trường hối hả, nhộn nhịp. Tre được ùn ùn kéo về, ra nan để đan thành sọt, thành rọ. Một bộ phận cưa đục kết nối thành mảng, thành bè. Số đông tỏa ra mò nhặt đá. Cả một khúc sông nhộn nhịp như ngày hội. Lớp lớp các mảng - bè đá được thả xếp chồng lên nhau, ken chặt vào nhau. Hai dãy đèn dầu treo trên cọc tiêu giăng ngang sông. Các chiến sĩ níu tay nhau chống chọi với dòng nước xiết, thả các mảng - bè đá vào đúng chỗ. Khi một đập ngầm dài - rộng đảm bảo yêu cầu nối hai bờ sông, thì việc hạ độ dốc hai bờ cũng hoàn thành.
    Máy bay trinh sát của địch phát hiện; 16 quả bom được chúng thả rơi trúng nơi anh em làm ngầm. Một xe hỏng, một chiến sĩ hy sinh. Máu và mồ hôi những người lính công binh hòa vào nước sông Bé. Chiều 23-4, ngầm vượt sông hoàn thành. Đúng 19 giờ 30 phút ngày 23-4, xe tăng và xe xích kéo pháo từ từ qua ngầm trước niềm vui như vỡ òa của những người lính Lữ đoàn 299 và giám sát của phái viên mặt trận... Khi chiếc xe tăng thứ 10 qua ngầm an toàn, Tư lệnh quân đoàn bắt tay Lữ đoàn trưởng và Chính ủy Lữ đoàn, rồi phấn khởi lên xe vượt ngầm hòa nhập với đội hình đang tiến về thành phố mang tên Bác kính yêu. Đúng 17 giờ ngày 29-4, toàn bộ lực lượng bộ binh cùng 1.465 xe cơ giới của Binh đoàn Quyết Thắng đã qua ngầm an toàn. “Mũi lao Thép” cánh Bắc Sài Gòn sẵn sàng trên bệ phóng.
    TRẦN DUY ĐỚI