Nâng cao vốn vay cho hộ vùng dân tộc thiểu số
Nguồn vốn gia tăng sẽ được Ngân hàng CSXH ưu tiên cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ở vùng DTTS.
Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2018, đến cuối tháng 9 - 2018, Ngân hàng CSXH có 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS thụ hưởng hầu hết các chương trình tại Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ hơn 42.000 tỷ đồng. Dư nợ bình quân một hộ đạt 30,6 triệu đồng.
Theo Ngân hàng CSXH, giai đoạn 2016-2018, vốn tín dụng CSXH đã giúp hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo. Trong đó trên 236.000 hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 123.000 lao động (trên 2.000 lao động có thời hạn ở nước ngoài). Nguồn vốn tín dụng CSXH giúp trên 32.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ DTTS được vay vốn học tập. Hơn 784.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và hơn 19 căn nhà ở được xây dựng từ vốn tín dụng CSXH.
Tuy nhiên nguồn lực vốn cho các chương trình xóa đói, giảm nghèo còn thiếu và phân tán, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của người dân, đòi hỏi cần tập trung hơn để việc cho vay phát huy hiệu quả.
Theo thông tin Ngân hàng CSXH từ ngày 1-3-2019, hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ vay phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng DTTS và miền núi, được vay tối đa 100 triệu đồng, gấp đôi mức cũ mà không cần tài sản thế chấp và thời hạn vay kéo dài tới 10 năm. Thông tin này đem lại niềm vui cho người dân nhiều vùng trên cả nước, bởi có nguồn vốn để phát triển kinh tế. Đây cũng là giải pháp để hạn chế những tác hại của "tín dụng đen".
Ngay sau khi Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH ký Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay phát triển KTXH vùng miền núi. Theo đó, từ ngày 1-3-2019, các chương trình tín dụng tại Ngân hàng CSXH bao gồm: Chương trình cho vay hộ cận nghèo; chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và cho vay phát triển KTXH vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31-10-2016, được Thủ tướng Chính phủ quy định mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ, vay không phải bảo đảm tiền vay. Mức cho vay và thời hạn cho vay cụ thể đối với từng hộ vay được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, vốn tự có, khả năng trả nợ của hộ vay và nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH. Trường hợp hộ vay thuộc đối tượng của các chương trình tín dụng nêu trên đang sử dụng vốn vay có hiệu quả, thực hiện trả lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận, nếu có nhu cầu vay thêm vốn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh có khả thi thì có thể vay bổ sung nhưng mức dư nợ không vượt quá 100 triệu đồng/hộ.
Được biết, tính đến hết năm 2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH đạt hơn 187.000 tỷ đồng; trong đó dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo 38.000 tỷ đồng (chiếm 20,2% tổng dư nợ) với 1,28 triệu hộ nghèo đang còn dư nợ. Đầu năm 2019, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2019 của ngành Ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý ngành Ngân hàng là hiện tượng "tín dụng đen" cho vay lãi suất cắt cổ đang bủa vây người yếu thế, từ thành thị đến nông thôn, đẩy gia đình người vay đến cảnh nghèo đói. Chính vì vậy có thể khẳng định, việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vay phát triển KTXH vùng DTTS và miền núi của Ngân hàng CSXH nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân. Đồng thời đây cũng là một trong những giải pháp để cùng với các loại hình tín dụng khác của ngành ngân hàng đẩy lùi "tín dụng đen".
Dương Sơn