Nâng cao phẩm chất chính trị đội ngũ người làm báo đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới
PV: Thưa đồng chí Hà Minh Huệ, xin đồng chí cho bạn đọc Báo CCB Việt Nam được biết những thành tựu và hạn chế của báo chí nước ta hiện nay?
Đồng chí Hà Minh Huệ: Báo chí cách mạng của chúng ta có bề dày 90 năm xây dựng và phát triển, khởi nguồn từ khi báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra số đầu tiên ngày 21-6-1925. Đến nay, đội ngũ báo chí của chúng ta đã lớn mạnh, tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 12-2014, cả nước có 845 cơ quan báo chí, trên 1.100 ấn phẩm báo, tạp chí, có 67 đài phát thanh và truyền hình T.Ư và địa phương, một hãng thông tấn quốc gia, gần một trăm báo điện tử, hàng nghìn trang điện tử… Hơn 18.000 nhà báo trong số hơn 22.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam được cấp Thẻ nhà báo, là chứng chỉ hành nghề cho một đội quân báo chí chuyên nghiệp.
Là lực lượng xung kích, vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng, báo chí luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhân dân tin yêu, và chính vì thế, lực lượng báo chí luôn cố gắng phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị một cách tốt nhất. Đội quân báo chí hùng hậu, bao gồm báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử là phương tiện thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị-xã hội, xã hội- nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân. Bằng các tác phẩm báo chí của mình, báo chí thông tin, tuyên truyền cổ vũ việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phản ánh kịp thời quá trình phát triển, phát hiện, biểu dương nhân tố mới, người tốt, việc tốt, đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, không khoan nhượng trước các quan điểm sai trái thù địch... Báo chí đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta. Một trong những biểu hiện rõ nét nhất thời gian gần đây là báo chí đã có đóng góp hiệu quả vào cuộc đấu tranh thông tin phản bác, lên án Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của chúng ta, làm cho dư luận quốc tế hiểu rõ, ủng hộ lập trường, quan điểm của Việt Nam. Hình ảnh nhà báo dũng cảm đứng trên boong tàu quay phim, chịp ảnh, đưa tin về những hành động hiếu chiến của tàu Trung Quốc lại làm chúng tôi nhớ lại các nhà báo-chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vì mục tiêu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Nói đến thành tựu, chắc chắn là còn rất nhiều, nhưng sẽ là thiếu nếu không nói đến những yếu kém, bất cập, khuyết điểm của một bộ phận báo chí, cần phải sớm có giải pháp khắc phục. Đó là xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo cơ chế thị trường, thông tin giật gân, câu khách của một số cơ quan báo chí và phóng viên-nhà báo vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật.
PV: Tình hình và những điểm mới của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020-Thưa đồng chí?
Đồng chí Hà Minh Huệ: Dự kiến vào đầu tháng 8 tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X để tổng kết công tác Hội trong giai đoạn 5 năm (2010-2015), thảo luận, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn 2015-2020, là thời kỳ nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới để sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Và như vậy thì báo chí, đội ngũ những người làm báo sẽ có trách nhiệm lớn hơn, nặng nề hơn. Chính vì vậy, khi chuẩn bị nội dung cho nhiệm kỳ mới, chúng tôi đặt ra nhiệm vụ, được thể hiện trong chủ đề của Báo cáo chính trị trình Đại hội là: “Nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng tổ chức Hội, đội ngũ người làm báo đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.”.
Báo cáo đánh giá hoạt động của Hội 5 năm qua có nhiều khởi sắc, nhiều hoạt động văn hóa, xã hội-từ thiện được tổ chức; tổ chức hội được củng cố, số nhà báo gia nhập hội ngày càng tăng. Trong 5 năm qua, mỗi năm Hội kết nạp thêm trung bình 1.000 hội viên. Số hội viên cuối nhiệm kỳ trước là trên 17.000, nay con số đã lên tới trên 22.000. Công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ được quan tâm, mỗi năm trung bình mở 80 lớp. Chất lượng thông tin, báo chí được nâng cao, uy tín của Giải báo chí quốc gia ngày càng được khẳng định.
Có thể nói 5 năm qua, Hội đã làm được nhiều, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Tôi xin trích một đoạn trong Dự thảo báo cáo chính trị để chứng minh điều đó: 10 năm (2004-2014) thực hiện Chỉ thị 37-CT/TƯ của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa IX) về “Tiếp tục nâng cao vai trò, hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới” đã mang lại kết quả to lớn, nhờ đó vai trò, vị thế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội được nâng lên đáng kể. Chỉ thị 37 vẫn còn nguyên giá trị trong tình hình hiện nay; các cấp Hội đã và đang tiếp tục thực hiện văn bản chỉ đạo quan trọng này nhằm tiếp tục nâng cao vai trò của Hội với tư cách là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp duy nhất của người làm báo Việt Nam”. Một nội dung khác được nhấn mạnh trong báo cáo là hội viên cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
PV: Xin đồng chí cho biết những định hướng về quy hoạch, sắp xếp hệ thống báo chí trong thời gian tới?
Đồng chí Hà Minh Huệ: Về câu hỏi này, tôi chỉ xin thông tin ngắn gọn thôi: Quá trình quy hoạch báo chí được khởi xướng từ năm 2006, nhưng đến thời gian gần đây mới đi vào “chung kết”. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí được giao nhiệm vụ xây dựng Dự thảo và tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh bản văn bản “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”. Đầu năm nay Hội nghị lần thứ 10 BCH T.Ư Đảng (khóa XI) đã thảo luận và cho ý kiến về Dự thảo quy hoạch. Quan điểm chỉ đạo của T.Ư trong công tác quy hoạch là phát triển phải đi đôi với quản lý tốt. Đây là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta chờ văn bản chính thức được ban hành để thực hiện.
PV: Xin cám ơn đồng chí.
Tô Kiều Thẩm (thực hiện)