Đánh giá tổng kết thực hiện dự án cho thấy, mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn được chọn đúng đối tượng về loài cây, điều kiện lập địa, tuổi cây, nguồn gốc giống và tình hình sinh trưởng của rừng trước khi tác động chuyển hóa. Các biện pháp kỹ thuật chuyển hóa rừng thực hiện đúng theo quy trình được phê duyệt; các chỉ số sinh trưởng về đường kính, chiều cao, trữ lượng, năng suất bình quân/năm của mô hình đều vượt trội so với rừng trước khi chuyển hóa và rừng trồng không chuyển hóa cùng lập địa trong khu vực. Đường kính bình quân cao hơn 38%, trữ lượng bình quân cao hơn 10%, năng suất cao hơn 32,1% so với rừng không chuyển hóa. Không chỉ tăng năng suất, mô hình trồng rừng gỗ lớn và chuyển rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn còn mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ. Theo đánh giá, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây. Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo, đến năm thứ 6 vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ mỏ, giá trị đạt khoảng 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 12-15 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10-14 năm trồng mới tiến hành khai thác, sản lượng đạt từ 200-240m3/ha và hầu hết các cây đã đạt đường kính trên 18cm, chiếm 50% trữ lượng khoảng 100-120m3/ha. Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá trị từ 1,8-2 triệu đồng/m3, tức là khoảng 250-300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân từ 22-25 triệu/ha/năm, cao gấp hơn 1,5 lần giá trị rừng gỗ nhỏ và cao hơn giá trị kinh tế đối với rừng trồng gỗ lớn khác như thông, quế, sa mộc, lim xanh... Các cán bộ Dự án chia sẻ, ban đầu triển khai trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn, người dân không khỏi nghi ngờ về tính khả thi của dự án, bởi lâu nay phương thức trồng rừng gỗ nhỏ đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân. Nhờ tích cực tuyên truyền vận động, cùng với sự hỗ trợ ban đầu của dự án về cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, canh tác thông qua các buổi tập huấn, người dân đã dần hiểu và thấy được lợi ích của việc thâm canh rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn.
Ông Trần Văn Hoành ở xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa phấn khởi cho chúng tôi biết: "Ban đầu tôi và nhiều hộ dân cũng khá nghi ngại để đăng ký tham gia mô hình, bởi vì chu kỳ trồng rừng gỗ lớn kéo dài từ 12-14 năm, gấp 2 lần so với chu kỳ trồng rừng thông thường. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa nhiệt tình hướng dẫn, giải thích về hiệu quả của rừng trồng gỗ lớn và nhận những hỗ trợ thiết thực như phân bón NPK 360kg/ha để bón chăm sóc cho cây, nên gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi 5,1/8,6ha rừng sang trồng rừng gỗ lớn. Tuy rừng chưa đến chu kỳ thu hoạch, nhưng sau 2 năm chuyển hóa, mô hình cho thấy sự khác biệt và mang lại hiệu quả. Khi khai thác tỉa, gia đình tỉa thưa khoảng 3.000 cây, sản lượng 125m3, bán được 125 triệu đồng sau khi trừ chi phí khai thác và chăm sóc rừng còn lại 20 triệu đồng/ha".
Dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ cung cấp gỗ lớn giai đoạn 2014-2016” đã đạt được những mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về hiệu quả phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn. Đặc biệt đối với các địa phương tham gia xây dựng mô hình, người dân được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản về trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng cung cấp gỗ lớn, tạo điều kiện và thúc đẩy việc phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn trên phạm vị toàn quốc. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến hết năm 2016, cả nước trồng thâm canh được 140.713ha rừng cung cấp gỗ lớn. Một số địa phương có diện tích trồng lớn như: Thanh Hóa 16.600ha, Quảng Trị 3.833ha, Bắc Giang 3.428ha; Chuyển hóa rừng được 26.408ha, tiêu biểu như Quảng Trị 11.452ha, Thanh Hóa 400ha, Thừa ThiênHuế 429ha... Điều kiện và khả năng nhân rộng mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn trong thời gian tới là rất khả thi, trên cơ sở phát huy tiềm năng về diện tích trồng rừng sản xuất hàng năm rất lớn (từ 190.000-200.000ha/năm), trong đó diện tích trồng lại sau khai thác (khoảng 130.000ha/năm) là đối tượng rất thích hợp để chuyển đổi mục đích kinh doanh rừng, đồng thời Việt Nam đã kết thúc cơ bản đàm phán hiệp định VPA/FLEGT với EU. Gỗ, đồ mộc, đồ gia dụng của Việt Nam vào được thị trường khó tính này là điều kiện để nâng giá gỗ lên cao trong thời gian tới.
Phát triển rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho các hộ gia đình, mà còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất… góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu.
Bài và ảnh: Hoàng Phiếu