Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi, người khuyết tật

Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc phiên giải trình.

Sáng 6-8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi (NCT) và người khuyết tật (NKT).

Bảo đảm tốt hơn quyền của NCT, NKT

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, nhấn mạnh: Cùng với quá trình phát triển của đất nước, các chính sách đối với NCT, NKT ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng; mức hỗ trợ được nâng lên; các chính sách trợ giúp bao phủ khá toàn diện bao gồm: Trợ cấp xã hội hằng tháng, chăm sóc tại cộng đồng và trong các cơ sở xã hội, trợ giúp về y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở, tiếp cận thông tin, văn hóa, thể thao, du lịch, công trình xây dựng, giao thông công cộng,… Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của NCT, NKT, cơ bản được sự đồng thuận của nhân dân và xã hội.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng nêu rõ, bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về NCT, NKT thời gian qua cho thấy, vẫn còn một số khó khăn, thách thức, cụ thể như: Mức trợ cấp xã hội thấp; một số NCT, NKT chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, việc làm; đời sống của một bộ phận NCT, NKT còn khó khăn, thậm chí thuộc diện nghèo; nguồn lực bố trí cho các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội còn hạn chế; vẫn còn tình trạng kỳ thị, định kiến, phân biệt đối xử đối với NCT, NKT; một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với NCT, NKT; năng lực cán bộ cơ sở làm công tác trợ giúp xã hội còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai thực hiện một chính sách an sinh xã hội hết sức quan trọng này.

Phiên giải trình được tổ chức để thúc đẩy hơn nữa tiến trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về NCT, NKT, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền của NCT, NKT; lấy căn cứ và cơ sở thực tiễn nhằm điều chỉnh chính sách và tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm thích ứng với già hóa dân số và tình trạng khuyết tật ngày càng gia tăng, thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền của đối tượng yếu thế nói chung và NCT, NKT nói riêng.

“Phiên họp giải trình này là diễn đàn mở với sự tham gia của nhiều bên nhằm mục đích công khai, minh bạch trước cử tri và nhân dân cả nước về thực trạng quản lý nhà nước trong công tác NCT, NKT; làm rõ các hạn chế, khó khăn, vướng mắc và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Qua đó, thống nhất về nhận thức và đồng thuận về các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với NCT, NKT trong thời gian tới; từng bước tháo gỡ các khó khăn, phòng ngừa và tiến tới gỡ bỏ các rào cản trên con đường bảo vệ, bảo đảm và thực thi quyền của NCT, NKT để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước”, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nói.

Mức trợ cấp xã hội với NCT, NKT còn thấp

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội do đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, trình bày dẫn số liệu thống kê cho thấy, tính đến 31-12-2018, cả nước có 11,3 triệu NCT (chiếm 11,95% dân số), trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên; 6,2 triệu NKT, trong đó có 1,1 triệu NKT nặng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo tại phiên giải trình.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, các tỉnh, thành phố thường xuyên rà soát, lập danh sách NCT, thực hiện xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật cho trên 1,5 triệu người để làm căn cứ giải quyết chính sách trợ giúp xã hội. Cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng cho khoảng 1,7 triệu NCT; 1,1 triệu người khuyết tật; khoảng 20.000 NCT, NKT đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội với mức chuẩn trợ cấp xã hội tối thiểu là 270.000 đồng/người/tháng. Các đối tượng thuộc diện được trợ giúp xã hội đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi qua đời được hỗ trợ chi phí mai táng.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức đào tạo nghề cho 18.000 người NKT. Các địa phương đã chủ động xây dựng, rà soát, phê duyệt danh mục nghề đào tạo, định mức chi phí đào tạo làm căn cứ thực hiện đào tạo cho lao động nông thôn và đào tạo hòa nhập cho NKT. Các tổ chức hội của NKT tiếp tục tổ chức có hiệu quả hoạt động dạy nghề và cho vay vốn giải quyết việc làm đối với NKT. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục NKT…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nói, mức trợ cấp xã hội với NCT, NKT còn thấp, bằng 30% chuẩn nghèo thành thị và 40% chuẩn nghèo nông thôn; rào cản tiếp cận thông tin, đi lại cho NKT là một trong những vấn đề khó khắc phục, khó bảo đảm lộ trình bảo đảm tiếp cận giao thông và công trình công cộng theo quy định của Luật NKT; còn một bộ phận NCT, NKT khó tiếp cận các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục thể thao ở cơ sở…

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị tăng cường bố trí nguồn lực thực hiện chính sách trợ giúp xã hội với NCT, NKT; điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội…

CHIẾN THẮNG