Nâng cao chất lượng “Gia đình văn hóa” (23/04/2009)
Gần 50 năm qua, kể từ khi phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” (1960) được phát động từ thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cho đến nay, phong trào đã được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng văn hóa - thông tin từ Trung ương đến cơ sở quan tâm chỉ đạo nên đã trở thành một phong trào lớn, có hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển, ổn định của đời sống xã hội đất nước. Từ phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu phố văn hóa”, “Cơ quan văn hóa”, “Phường văn hóa”... Danh hiệu “Văn hóa” đã trở thành chuẩn mực về cuộc sống xã hội của mỗi gia đình, khóm ấp, cơ quan với những tiêu chuẩn hết sức cụ thể. Đơn vị, gia đình, khóm ấp, cơ quan nào đạt “Văn hóa” tức là nhận một danh hiệu hết sức vinh dự, vẻ vang. Gần 50 năm qua, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu phố văn hóa”... đã được khẳng định là có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả thiết thực.
Tuy vậy, qua phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá” thời gian qua trên cả nước đã xuất hiện một số bất cập mà dư luận xã hội đã nhiều lần đề cập. Những trào lưu văn hóa phong phú, những lối sống đa dạng đang ảnh hưởng trực tiếp, phần nào giá trị văn hóa gia đình. Bên cạnh đó, việc xét cấp tràn lan danh hiệu này, nhiều địa phương, nhiều gia đình “có danh mà không có thực” đã gây tâm lý phá sản, đánh mất giá trị cao đẹp của danh hiệu. Có những địa phương cuối mỗi năm, dường như nhà nào cũng được nhận tấm bằng “Gia đình văn hóa” như lẽ đương nhiên. Cả làng, cả phố đều được phát. Số gia đình văn hóa phổ biến là chiếm từ 80% trở lên, thậm chí nhiều nơi đạt 100%. Đạt được thành tích này thì ai mà chẳng mừng, chẳng vui, nhưng có điều, trong thực tế lại không được như vậy.
Thứ nhất, việc xét cấp danh hiệu “Gia đình văn hóa” không thực chất, theo kiểu lấy thành tích. ở rất nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố, thị xã, khu công nghiệp... tình trạng thiếu văn hóa vẫn tồn tại rất nhiều ngay chính trong các “Gia đình văn hóa”, “Khu phố văn hóa”... Không thiếu gì chuyện các đôi nam nữ sống chung với nhau không hôn thú, có con mà khuyết cha, khuyết mẹ; những loại TNXH như ma túy, cờ bạc, rượu chè, HIV/AIDS, cãi chửi nhau, đánh nhau, trộm cắp, mải làm ăn quên dạy dỗ, giáo dục con cái... diễn ra trong những “Gia đình văn hóa”, “Cụm dân cư văn hóa”... Những mối quan hệ trong gia đình đã trở nên lỏng lẻo với bao điều còn trăn trở, day dứt ở nơi đây, vậy mà vẫn đạt “Văn hóa” mới lạ. Mới đây, tỉnh An Giang đã rà soát và rút lại danh hiệu “Gia đình văn hóa” của hàng nghìn hộ không đạt chuẩn. Tuy nhiên, đây mới là số ít, còn rất nhiều nơi khác vẫn chưa có động tác này. Việc cấp tràn lan danh hiệu “Văn hóa” ở nhiều nơi đã trở thành hình thức, không có giá trị thật mà gọi chính xác là “hư danh”.
Việc cấp tràn lan danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Cơ quan văn hóa”, “Cụm dân cư văn hóa”... cho thấy bệnh thành tích của chúng ta vẫn còn quá nặng nề. Hãy đưa những danh hiệu về giá trị thật của nó. Tuyên truyền, giáo dục người dân sống có văn hóa là cần thiết, nhưng phải chọn lựa cách làm thiết thực, nâng cao được ý thức và trách nhiệm của cộng đồng. Xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Cơ quan văn hóa”, “Khu phố văn hóa”... là rất cần thiết, song thực hiện phải là thực chất, không thể làm tràn lan để lấy thành tích giả. Có vậy mới làm xã hội phát triển một cách thực sự. Công việc ấy, không chỉ là của các cấp chính quyền, cơ quan văn hóa mà là của mỗi người, mỗi gia đình chúng ta.
Vân Trang