Nạn phá rừng vẫn còn nhức nhối
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế: Đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương chưa được quan tâm bố trí đủ vốn; nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn; trồng rừng có chứng chỉ. Đến nay, vẫn còn những điểm nóng về phá rừng gây dư luận không tốt trong xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Dù các vụ phá rừng có giảm, nhưng đây là điểm nhức nhối, nên phải làm gay gắt, làm mạnh vấn đề này. Tổng cục Lâm nghiệp phải tăng cường kiểm tra giám sát, đôn đốc, phối hợp với các tỉnh, không để xảy ra nạn phá rừng như thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Trong các giải pháp về ứng phó biến đổi khí hậu thì rừng là giải pháp cốt lõi, tổng thể nhất. Nên công tác lâm nghiệp phải gắn với việc đó. Mặt khác, năm 2018 là năm bản lề để triển khai Luật Lâm nghiệp mới sửa đổi, để Ngành Lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì “rừng phải xác định đúng nghĩa rừng vàng, phát huy được nhiều sản vật và tiềm năng khác. Một vấn đề Bộ trưởng nhấn mạnh tại Hội nghị đó là: Thu phí dịch vụ môi trường rừng làm sao để người trồng rừng, trông coi rừng phải sống được… Việc thu phí này phải minh bạch và tính thêm đối tượng thụ hưởng, có rừng giữ nước, rừng tạo ô xy, nên cơ quan nhà nước phải cần cân đối vấn đề này.
Bộ trưởng yêu cầu Ngành Lâm nghiệp trong năm 2019, tập trung giải quyết các vụ vi phạm về phá rừng, bảo vệ tốt khu vực rừng Tây Bắc, Tây Nguyên và phát triển rừng ven biển; thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc gỗ minh bạch. Đồng thời rà soát, đánh giá lại việc thực hiện “Đề án 866” về Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.
Nguyễn Dương