• Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ.

  • Đảng đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, tiêu chuẩn, quy chế, quy định về công tác cán bộ và thông qua các cấp ủy của tổ chức Đảng, đảng viên trong cơ quan nhà nước, mặt trận, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp để lãnh đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện các quyết định của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ.

  • Đảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị, trên mọi lĩnh vực. Đảng trực tiếp quản lý đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành, các cấp, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

  • Đảng phân công, phân cấp quản lý cán bộ cho cấp ủy và tổ chức Đảng, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ của các ngành, các cấp.

Về quản lý và quyết định đối với cán bộ, tại điều 3 quy định:

  • Mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và sử dụng cán bộ đang công tác, sinh hoạt trong tổ chức mình.

  • Các cấp ủy, tổ chức Đảng xem xét, quyết định khen thưởng, kỷ luật hoặc đề nghị khen thưởng kỷ luật đối với cán bộ được phân cấp quản lý, việc khen thưởng, thi hành kỷ luật thực hiện theo điều lệ Đảng, pháp luật nhà nước và điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội.

Trong Hướng dẫn số 09 ngày 26-9-2007 của Ban Tổ chức T.Ư Đảng về phân cấp quản lý cán bộ đã xác định: Nói chung, cấp nào ra quyết định bổ nhiệm cán bộ thì quyết định các khâu khác trong công tác cán bộ (đánh giá, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm, bổ nhiệm lại, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu, thực hiện chính sách cán bộ…).

Luật Cán bộ, công chức đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13-11-2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010. Tại Điều 4 đã quy định rõ:

  • Cán bộ là công dân Việt Nam được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở T.Ư, ở tỉnh, thành phố thuộc T.Ư (gọi chung là cấp tỉnh) ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

  • Công chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở T.Ư, cấp tỉnh, cấp huyện… trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước…

  • Cán bộ cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, bí thư, phó bí thư đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội.

  • Công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc UBND xã trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách.

Nguyên tắc quản lý cán bộ công chức: đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước.

Điều 23 của Luật Cán bộ, công chức quy định: Việc bầu cử, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện theo quy định của điều lệ, pháp luật có liên quan.

Chương V quy định về cán bộ, công chức cấp xã gồm:

Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Khoản 3, Điều 4 của luật này bao gồm cán bộ cấp xã và công chức cấp xã:

  1. Cán bộ cấp xã có các chức vụ sau đây:

Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam; Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch Hội CCB Việt Nam.

  1. Công chức cấp xã có các chức danh sau đây:

Trưởng công an; chỉ huy trưởng quân sự; văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội. Công chức cấp xã do cấp huyện quản lý.

Quản lý cán bộ, công chức được quy định tại chương VI

Điều 66 quy định về thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức: cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định biên chế công chức trong cơ quan và đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.

Điều 67 quy định về thực hiện quản lý cán bộ, công chức.

Việc quản lý cán bộ, công chức được thực hiện theo quy định của luật này, các quy định khác của pháp luật có liên quan, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

  • Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện việc quản lý công chức theo phân cấp của cơ quan có thẩm quyền và theo quy định của Chính phủ.

Về điều khoản thi hành quy định tại chương X:

Điều 84: Áp dụng quy định của Luật Cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác:

  1. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng luật này đối với những người được bầu cử nhưng không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 4 luật này, chế độ phụ cấp đối với những người đã nghỉ hưu nhưng được bầu giữ chức vụ, chức danh cán bộ.

  2. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với những người được Đảng, Nhà nước điều động, phân công và những người được tuyển dụng bổ nhiệm theo chỉ tiêu biên chế được giao làm việc trong tổ chức chính trị - xã hội…

Hiện nay cơ quan có thẩm quyền của Đảng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Điều 84 của Luật Cán bộ, công chức.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã để hướng dẫn thực hiện Luật Cán bộ, công chức.

Tại Điều 3 của Nghị định 92 quy định về chức vụ, chức danh ở cấp xã có:

  1. Cán bộ cấp xã có các chức vụ sau đây:

Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam; Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân; Chủ tịch Hội CCB Việt Nam.

  1. Công chức cấp xã có các chức danh sau đây:

Trưởng công an; chỉ huy trưởng quân sự; văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội.

Như vậy Chủ tịch Hội CCB cấp xã là cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ ở cấp xã.

Về chế độ tiền lương phụ cấp quy định tại Điều 5 của Nghị định 92 về xếp lương đối với cấp xã như sau:

  • Cán bộ có trình độ sơ cấp hoặc chưa đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện xếp lương theo hệ số bậc 1= 1,75 (gồm các chức vụ Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam).

  • Cán bộ cấp xã đã tốt nghiệp đào tạo trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thực hiện xếp lương như công chức hành chính quy định tại bảng lương số 2 (bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004.

  • Đối với cán bộ cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hiện hưởng, hàng tháng được hưởng 90% mức lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm và không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

  • Cán bộ cấp xã có thời gian hưởng lương bậc 1 là 5 năm (đủ 60 tháng) hoàn thành nhiệm vụ, không bị kỷ luật thì được xếp lương bậc 2 (2,25). Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư liên tịch số 03 ngày 27-5-2010 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Đối với cán bộ Hội CCB được bầu hoặc bổ nhiệm được thực hiện theo Điều lệ của Hội CCB Việt Nam tại Điều 8, Điều lệ Hội CCB Việt Nam quy định: “… Ban chấp hành khóa mới (trong đó có cán bộ chủ trì) được công nhận chính thức khi có quyết định chuẩn y của Ban chấp hành cấp trên trực tiếp. Như vậy, cán bộ Hội CCB khi được đại hội bầu hoặc bổ nhiệm còn phải được Ban chấp hành cấp trên trực tiếp chuẩn y (Điều 23 của Luật Cán bộ, công chức quy định việc bầu cử, bổ nhiệm chức danh cán bộ trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện theo quy định của điều lệ, pháp luật có liên quan).

Sau khi Luật Cán bộ, công chức được ban hành, do chưa quán triệt đầy đủ, toàn diện các quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Đảng, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức nên một số địa phương cho cán bộ Hội CCB (số đã có lương hưu) nghỉ công tác Hội hàng loạt, bổ sung số công chức chưa có lương hưu vào thay thế làm cho chất lượng đội ngũ cán bộ Hội và hiệu quả công tác Hội bị giảm sút, có nơi không thông qua cấp ủy Đảng mà do Chủ tịch UBND ký quyết định, cấp quản lý cán bộ trực tiếp cũng không được tham gia ý kiến, làm như vậy là chưa đúng với các quy định của Đảng, Nhà nước và Điều lệ của Hội CCB Việt Nam. Vì vậy các cấp Hội CCB cần nghiên cứu nắm vững các quy định của Đảng về quản lý cán bộ, Luật Cán bộ, công chức, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức, Điều lệ Hội CCB Việt Nam để chủ động làm tham mưu cho cấp ủy trong công tác cán bộ Hội.

Phạm Hữu Bồng, Phó chủ tịch Thường trực Hội CCB Việt Nam