Năm mới - Kỳ vọng vào nền kinh tế Việt Nam (13/01/2010)
**Thành quả và cơ hội **
Trong bối cảnh của suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã trụ vững, nỗ lực đạt được mức tăng GDP 5,32% trong năm 2009, trở thành một trong 12 nước có mức tăng trưởng dương trên thế giới. Bước sang năm đầu tiên của thập kỷ mới, Việt Nam hoàn toàn vững tin vào một sức sống mới của nền kinh tế đang vươn dậy sau cơn khủng hoảng toàn cầu. Thêm vào đó, không thể không kể đến một yếu tố rất quan trọng góp phần quan trọng trong đó là kịp thời ban hành các chính sách kích thích kinh tế, ổn định tầm vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2010, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành toàn diện mục tiêu tổng quát đưa nền kinh tế tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ hơn.
Tập trung thực hiện có hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung mọi nỗ lực thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các gói cứu trợ vẫn tiếp tục được triển khai, hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn được duy trì sau khi kết thúc hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. Chính phủ chủ trương tiếp tục kích thích nền kinh tế thận trọng. Đối phó với lạm phát năm 2010, cần có sự phối hợp tốt hơn giữa công cụ tiền tệ và công cụ tài khóa.
**Khó khăn và thách thức **
Cùng với việc ý thức cao về tác hại của lạm phát đối với ổn định kinh tế vĩ mô để từ đó có những quyết sách đối phó đúng, cũng có thể thấy Chính phủ đã đánh giá và nhận thức rõ ràng những mối nguy hiểm khác như bội chi ngân sách lớn, nợ nước ngoài tăng, giải ngân vốn ODA chậm, thâm hụt cán cân thương mại chậm được cải thiện, thâm hụt cán cân thanh toán quốc gia. Mức bội chi 6,2% GDP mà Quốc hội đã “chốt” (Chính phủ đề nghị mức bội chi 6,5% GDP) vẫn là một mức cao đặc biệt nếu so với con số khoảng 5% GDP của những năm trước đây (không kể năm 2009). Chắc chắn con số này sẽ gây áp lực không nhỏ tới lạm phát và ngân sách quốc gia trong năm 2010. Về cơ bản, chính sách tài khóa năm 2010 được cho là sẽ ít cởi mở hơn so với năm 2009 nhằm giảm bớt áp lực về bội chi ngân sách và lạm phát gia tăng.
Những vướng mắc về thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến việc giải ngân vốn ODA cam kết, trong đó đáng quan ngại nhất là việc triển khai các dự án chậm.
Con số kỷ lục trên 8 tỷ USD về số lượng ODA cam kết tài trợ cho Việt Nam trong năm 2010, cao nhất từ trước tới nay, vẫn sẽ chỉ ở trên giấy chừng nào công tác giải ngân còn ỳ ạch. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, kế hoạch ưu tiên của Chính phủ năm 2010 là cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính hiện thời. Đây là điều được trông đợi không chỉ đối với các dự án ODA mà cả các dự án đầu tư, kinh doanh có nguồn vốn khác.
Đó là những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong năm mới này. Thực hiện tốt những giải pháp của Chính phủ, cả cộng đồng chung sức tiếp tục đưa kinh tế Việt Nam vượt qua cơn bão khủng hoảng toàn cầu, nhất định những thành quả đã đạt được trong năm 2009 sẽ tiếp tục được phát huy trong năm 2010.
MAI ANH