Năm học đổi mới và chất lượng (03/09/2009)

Đó là vì công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đòi hỏi đội ngũ lao động có tri thức, có sức khoẻ, có trình độ và năng lực đạt chất lượng cao. Vậy nên ngành giáo dục cần một sự đột phá về đổi mới tư duy để có những cải cách mạnh mẽ và sâu rộng trong mọi lĩnh vực, không chỉ dạy và học mà còn về trang thiết bị dạy và học, cơ sở trường lớp, các phòng thí nghiệm.

Kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Bác Hồ vĩ đại, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến giáo dục, luôn coi đó là quốc sách hàng đầu. Ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ đã chỉ ra 3 thứ giặc mà ta phải diệt, đó là giặc đói và giặc dốt và giặc ngoại xâm. Lớn lên cùng đất nước, ngành giáo dục đã phát triển không ngừng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ một nước hơn 90% dân số mù chữ, đến nay Việt Nam đã cơ bản phổ cập giáo dục cấp một, có hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và dạy nghề sánh ngang các nước tiên tiến trong khu vực. Việc dạy tiếng Việt trong trường phổ thông và đại học là một kỳ tích trong lịch sử đất nước. Hàng triệu người đã được đào tạo hiện đang nắm giữ các vị trí trọng trách của hệ thống chính trị, chính quyền, các đơn vị, doanh nghiệp thể hiện sinh động chính sách giáo dục rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên so với yêu cầu và nhiệm vụ, ngành giáo dục vẫn còn bất cập. Trước hết là ở chỗ ngành chưa có sự đổi mới tư duy triệt để, chưa từ bỏ hoàn toàn với cách giáo dục sơ cứng, nặng về quan liêu bao cấp. Mặt khác vẫn còn tình trạng học chưa đi đôi với hành, lý thuyết chưa gắn liền với thực tiễn, nặng về bằng cấp mà không quan tâm đến việc học như thế nào và học để làm gì. Không hiếm những người có bằng cấp rất cao nhưng ít đóng góp cho cơ quan, đơn vị, địa phương. Cũng phải kể đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm còn mang nặng tính hình thức, chỉ thuần túy nhìn vào bằng cấp mà không xem thực chất kiến thức, năng lực và trình độ tổ chức, điều hành, thực hiện công việc được giao.

Vậy nên năm học 2009-2010 và những năm tiếp theo, cần một sự chuyển biến sâu rộng trong ngành giáo dục để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Điều quan trọng nhất là quan tâm giáo dục đạo đức nhân cách “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cần xuất phát từ nhu cầu cuộc sống mà xây dựng chương trình dạy và học phù hợp. Rất cần một sự chuyển biến về tư duy trong giáo dục phổ thông, đại học và cao đẳng chuyên nghiệp. Đó là việc mở rộng đầu vào có thể bỏ thi tuyển, nhưng kiểm tra ngặt nghèo đầu ra. Tức là, ai muốn vào đại học hoặc cao đẳng chuyên nghiệp cũng được nhưng không phải ai học cũng tốt nghiệp. Như vậy sẽ giảm được áp lực của xã hội. Muốn làm được như vậy cần một cơ chế tài chính và quản lý linh hoạt, ai học giỏi thực sự được giảm hoặc miễn học phí, còn ai muốn học thì nộp học phí, tùy theo mỗi trường.

Chính phủ đã xây dựng đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục được Quốc hội và toàn dân quan tâm. Đang diễn ra một cuộc thảo luận rất sôi nổi ở mọi cấp, mọi ngành để có một đề án tối ưu. Chúng ta tin tưởng và hy vọng nền giáo dục nước nhà sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta tươi đẹp.

CCBVN