Năm Gia đình Việt Nam 2013 - Kết nối yêu thương (10/03/2013)

Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 8/3 tại Hà Nội, Ban tổ chức cho biết với chủ đề "Kết nối yêu thương," Ban tổ chức mong muốn kết nối vai trò, trách nhiệm, tình cảm của mọi thành viên trong các gia đình Việt Nam để cùng chia sẻ, chăm lo tổ ấm và quan trọng hơn nữa là giảm thiểu các vấn đề trong gia đình, nhất là bạo lực gia đình.

Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành điều tra thực trạng bạo lực gia đình qua thống kê và điều tra xã hội học. Kết quả chưa đầy đủ cho thấy từ năm 2009 đến 6 tháng đầu năm 2012 thống kê được 53.863 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, bạo lực gia đình đối với phụ nữ chiếm tỷ lệ 64,3%; với trẻ em là 14,08% và với người cao tuổi là 9,7%.

Mặc dù các địa phương đã tích cực, huy động các ngành, đoàn thể tập trung phòng, chống bạo lực gia đình nhưng tình trạng này còn xảy ra nhiều với diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo lực gia đình là do tư tưởng gia trưởng, bất bình đẳng giới; nhận thức về pháp luật của không ít cán bộ, người dân còn hạn chế; cán bộ, chính quyền, đoàn thể nhiều nơi vẫn coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư nên việc xử lý hành vi bạo lực gia đình chưa nghiêm; chế tài thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình chưa mạnh.

Các nguyên cớ trực tiếp dẫn đến các hành vi bạo lực gia đình là say rượu, bức xúc vì kinh tế khó khăn; ghen tuông; mâu thuẫn trong đời sống hàng ngày...

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, hạnh phúc, tiến bộ. Ban Bí thư Trung ương (khóa IX) năm 2005 đã khẳng định "xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của cả dân tộc và của cả thời đại."

Trong những năm qua, nhiều văn bản quan trọng về lĩnh vực gia đình đã được ban hành, trong đó có "Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030" đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2012.

(TH)