Năm anh em tiến vào năm cửa ô

Năm 2000, đang là biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội, tôi may mắn được phân công biên tập bản thảo sách “Vườn cam ngọt” của Đại tá CCB Huỳnh Thúc Cẩn (sinh 1927). Tập bản thảo vỏn vẹn vài trăm trang in, nhưng để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó quên, bởi cuộc đời quân ngũ của Đại tá CCB họ Huỳnh có nhiều kỷ niệm sâu sắc được ông kể lại rất hấp dẫn. Một trong những kỷ niệm đẹp, niềm vinh dự tự hào của gia đình ông là ngày 10-10-1954, mấy anh em ông trong đội hình các đoàn quân chiến thắng cùng tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn kể: Ông là con thứ tư trong một gia đình có 7 người con trai ở Minh Lệ, Quảng Trạch, Quảng Bình. Người anh cả Huỳnh Thúc Trình do ốm yếu và người em út Huỳnh (Hoàng) Gia Cương chưa đủ tuổi, còn lại 5 anh em: Huỳnh Thúc Cảnh, Huỳnh Thúc Tuệ, Huỳnh Thúc Cẩn, Huỳnh Thúc Tấn và Huỳnh Quý Thân đều lần lượt nhập ngũ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

Là gia đình có truyền thống hiếu học và cách mạng, trước tháng 8-1945, anh em ông Cẩn đều là học sinh Trường Thuận Hóa (Huế). Trong Cách mạng Tháng Tám, anh em ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở quê nhà. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông Cảnh nhập ngũ, ra công tác ở Thanh Hóa làm cán bộ chính trị phụ trách Văn phòng tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thanh Hóa, rồi được chọn làm Thư ký của Bí thư khu ủy Khu 4 Hồ Tùng Mậu. Ông Tuệ là chiến sĩ Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Ông Cẩn là lính của Trung đoàn 9, Đại đoàn 304. Ông Tấn học thiếu sinh quân rồi trở thành lính thông tin. Huỳnh Quý Thân nhập ngũ muộn hơn; giai đoạn cuối kháng chiến đang theo học một khóa nghiệp vụ ở Nghệ An.

Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, chỉ mỗi một lần tham gia chiến dịch Quang Trung mùa hè 1951, khi dẫn một phân đội trên đường luồn sâu và sào huyệt của địch ở Phát Diệm, ông Cẩn được gặp ông Tuệ (vì cùng Đại đoàn 304), còn lại anh em ông không hề liên lạc được với nhau mà chỉ nghe tin là có anh (hoặc em) mình tham gia chiến dịch này, đánh trận kia… Trong chiến dịch Hòa Bình vào đầu năm 1952, tổ chiến đấu của ông Cẩn bị địch bao vây hơn mười ngày, không liên hệ được với đơn vị; đồng đội nghĩ tổ của ông đã hy sinh hết, nên tổ chức lễ truy điệu các ông. Cùng trong Đại đoàn, được tin em mình hy sinh, ông Tuệ đã vô cùng đau đớn… Nhưng không ngờ anh em ông đã vượt qua mọi thử thách, ác liệt của chiến tranh để cùng tiến về tiếp quản Thủ đô ngày giải phóng!

Ông Cẩn tâm sự: Kháng chiến 9 năm, đạn bom, gian khổ, ác liệt thì ca khúc “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao âm vang trên những chặng hành quân đi chiến dịch, thật sự như tiếng kèn thúc giục người chiến sĩ xốc tới diệt thù, để có một ngày “Tiến về Hà Nội”. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, niềm tin được cùng Đại đoàn 304 - một trong những Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội, lập được nhiều võ công oanh liệt, về tiếp quản Thủ đô càng nung nấu, háo hức trong ông. Và niềm ao ước đó đã thành thiện thực.

Đầu tháng 10-1954, ông Cẩn là Đại đội trưởng, được giao nhiệm vụ vào nội thành nghiên cứu địa bàn, địch tình, phục vụ cho Trung đoàn 9 vào tiếp quản sân bay Gia Lâm.

Ngày 10-10-1954, ông Huỳnh Thúc Cảnh cùng Cơ quan Chính phủ từ Việt Bắc vào tiếp quản Phủ Toàn quyền. Ông Huỳnh Thúc Tuệ trong đội hình Trung đoàn 57 Đại đoàn 304 từ Xuân Mai vào Ngã Tư Sở, tiếp quản một số vị trí ở Bạch Mai… Ông Tấn cùng đơn vị từ Hòa Bình vào Ô Cầu Giấy, tiến qua Ô Quan Chưởng rồi đóng chốt đầu cầu Long Biên. Đơn vị của ông Cẩn đóng gần sân bay Gia Lâm. Lúc này, em Huỳnh Quý Thân đang học ở Nghệ An, nghe tin bộ đội vào tiếp quản Thủ đô đã xin đơn vị đi xe ra Hà Nội, hy vọng tìm gặp được các anh trai của mình.

Biết đơn vị của ông Cẩn đang tiếp quản sân bay Gia Lâm, ông Thân đã tìm tới và gặp ông Cẩn ở đó. Ông Cẩn xúc động kể: “Lúc tôi đi bộ đội, em Thân còn bé. Sau mấy năm xa cách, tôi không thể nhớ mặt em, nên lúc đầu chưa nhận ra nhau; nhưng hỏi đúng tên, tuổi, bố mẹ, anh em… thế là anh em ôm nhau khóc…”.

Ngày hôm sau, ông Cẩn và ông Thân vào nội thành. Đang đi trên cầu Long Biên, thấy phía trước một người mặc quân phục, dáng đi rất quen, ông Cẩn liền gọi: “Tấn! Có phải Tấn không?”. Ông Tấn giật mình ngoái nhìn… “Phút giây ba anh em gặp nhau trên cầu Long Biên sau 9 năm xa cách thật như mơ, hanh phúc vỡ òa…” - ông Cẩn xúc động nói.

Để tìm ông Cảnh và ông Tuệ, ba anh em nghĩ ra cách liên hệ với đơn vị của các anh và nhờ đơn vị thông tin nếu các anh còn sống thì sáng chủ nhật gần nhất đến cầu Thê Húc, hồ Hoàn Kiếm, để anh em gặp nhau.

Đúng hẹn, sáng chủ nhật đó, ông Cẩn, ông Tấn, ông Thân đến cầu Thê Húc, đã thấy ông Tuệ đứng đợi. “Trước đây đã từng nghe tin tôi hy sinh trong chiến dịch Hòa Bình, nay gặp em còn nguyên vẹn, không sứt mẻ gì, anh Tuệ ôm chặt tôi, vừa khóc vừa nói: Nghe tin đơn vị đã truy điệu em, anh không nghĩ có được ngày hôm nay…”. Phải đến ngày hôm sau, bốn người em mới gặp được ông Huỳnh Thúc Cảnh.

Vậy là, Thủ đô Hà Nội ngày giải phóng cũng chính là điểm hẹn của 5 anh em - 5 người lính của một gia đình họ Huỳnh ở làng Minh Lệ. “Trong niềm vui chung của đất nước có niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến của anh em tôi. Vì vậy, sau này, vào ngày kỷ niệm giải phóng Thủ đô hằng năm, nếu có điều kiện, anh em chúng tôi lại gặp nhau tại cầu Thê Húc trước đền Ngọc Sơn để nhắc nhớ, lưu giữ một kỷ niệm có một không hai” - ông Cẩn tự hào nói!

Duy Nguyễn