Năm 2023 dừng sử dụng amiang trắng tại Việt Nam

Toàn cảnh hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và Quốc tế. Hội nghị nhằm thiết lập mạng lưới toàn cầu, tìm kiếm các giải pháp dừng sử dụng amiang trắng tại Việt Nam, góp phần hướng tới bổ sung các nội dung của Công ước Rotterdam, tiến tới việc dừng sử dụng amiang trắng trở thành hành động của nhân loại.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tuyên bố amiang là chất gây ung thư, nhất là ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiang trong suốt thập niên vừa qua. Năm 2004, WHO ước lượng có trên 100.000 người chết mỗi năm do tiếp xúc với amiang. Gần đây, Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBDS) ước tính số lượng người chết do amiang khoảng 220.000 người mỗi năm. Nghiên cứu này cũng chỉ ra tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 2.000 người chết do liên quan đến amiang trắng. Trên thế giới 64 nước đã cấm việc sử dụng amiang trắng. Tại Việt Nam, amiang vẫn được sử dụng nhiều trong các sản phẩm công nghiệp, nhất là sản phẩm tấm lợp fibroximang. Hơn 95% tấm lợp có chứa amiang được sử dụng ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, gây môi trường độc hại cho đồng bào.Hằng ngày vẫn có hàng triệu người dân thu nhập thấp chung sống với amiăng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Phan Văn Hùng đánh giá cao ý nghĩa của Hội nghị và cho rằng đây là sự kiện quan trọng, thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với đồng bào DTTS. Bởi hiện nay, vùng DTTS đang sử dụng rất phổ biến tấm lợp có chứa amiang và đồng bào DTTS đang hằng ngày phải tiếp xúc với amiang. Đồng bào DTTS chưa có nhiều thông tin, kiến thức về hậu quả của việc sử dụng amiang.

Ở Việt Nam, ngày 1-1-2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Nghị quyết số 01/NQ-CP trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng “Xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang từ năm 2023”. Tuy nhiên, ông Hoàng Xuân Lương – Chủ tịch Nhóm Hành động vì Công lý, Sức khỏe và Môi trường cho biết một số nhóm lợi ích đã tìm mọi cách để kéo dài thời gian thực hiện, khiến amiang vẫn được sử dụng nhiều trong các sản phẩm công nghiệp, nhất là sản phẩm tấm lợp fibroximang tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, các vấn đề liên quan đến lộ trình dừng sử dụng amiang được các đại biểu tập trung thảo luận như: Cơ hội và thách thức của việc dừng sử dụng amiang tại Việt Nam; bằng chứng khoa học về tác hại của amiang; vật liệu thay thế amiang; kinh nghiệm xử lý thay thế vật liệu amiang tại Úc, Nhật; nỗ lực đưa amiang vào Công ước Rotterdam trên thế giới…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Phan Văn Hùng nhấn mạnh: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc rất quan tâm đến sức khỏe của đồng bào DTTS trước tác hại của việc sử dụng amiang trắng. Nhận thức rõ điều này, vừa qua Ủy ban Dân tộc đã có kế hoạch tuyên truyền, vận động để đồng bào DTTS hiểu rõ những tác hại của việc sử dụng amiang và xây dựng kế hoạch thực hiện đề án dừng sử dụng amiang chậm nhất là năm 2023.

Theo Thứ trưởng Phan Văn Hùng, các cơ quan, các Bộ, ngành, các tổ chức cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ; tuyên truyền cho người dân hiểu tác hại của amiang, hiểu được chủ trương của Chính phủ về dừng sử dụng amiang, chọn những tấm lợp thay thế fibroximang; cần gắn mác cho các sản phẩm có chứa amiang nhằm cảnh báo người dân về tác hại khi sử dụng; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp nghiên cứu, sản xuất ra nhiều sản phẩm thay thế fibroximang với giá thành rẻ, phù hợp; khuyến khích các Bộ, ngành, các nhà khoa học... cung cấp thêm nhiều thông tin, dữ liệu chuẩn mực, số liệu thuyết phục để phản biện quan điểm amiang là không độc hại; nghiên cứu các phương án thu gom, xử lý chất thải sau khi phá bỏ để đảm bảo an toàn cho cộng đồng; các tài liệu tuyên truyền cho đồng bào DTTS cần ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu.

Vũ Minh