Năm 2018: Nỗ lực giải quyết tồn đọng trong thực hiện chính sách Người có công

Tổng kết năm 2017, những thông tin của Bộ LĐTBXH khiến nhiều người cảm động và băn khoăn. Bởi có đến 148 trường hợp hy sinh từ thời kỳ chống Pháp, cách đây trên 70 năm (có trường hợp 86 năm) và còn rất nhiều những trường hợp cá biệt khác do không có hồ sơ, giấy tờ gốc; không còn thân nhân chủ yếu; còn thiếu một số điều kiện theo quy định; người làm chứng không cùng đơn vị, không cùng chiến đấu; hồ sơ thất lạc phải làm lại từ đầu hoặc hồ sơ phải bổ sung nhiều lần đến khi hoàn thiện thì hết hiệu lực văn bản quy định.
Trải qua các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh ác liệt, lâu dài, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, TNXP, người phục vụ kháng chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ lên đường không bao giờ nghĩ đến giấy tờ riêng cho mình và cũng không giữ được giấy tờ gốc...
Mặc dù, các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để xác nhận người có công không còn căn cứ, giấy tờ gốc bằng nhiều hình thức nhưng vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Nguyện vọng của NCC và thân nhân, đặc biệt là đối với những trường hợp hy sinh đã lâu, gia đình và người thân khắc khoải đợi chờ làm mỗi chúng ta, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp vô cùng day dứt.
Để giải quyết những trường hợp mang tính cá biệt, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Bộ đã và đang áp dụng quy trình theo Quyết định số 408 với 7 bước xử lý có tính chất cụ thể, quy định chặt chẽ hơn so với Kế hoạch triển khai thí điểm. Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC, ban hành kèm theo Quyết định 408, tạo cơ sở thuận lợi cho việc tiến hành rà soát, giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đây có thể coi là “cẩm nang” để các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền, các cá nhân, tổ chức liên quan... xác định rõ trách nhiệm, phần việc của mình và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện tốt, các cơ quan và cá nhân cần nghiên cứu kỹ nội dung Quy trình để hiểu đúng, thực hiện đúng, bảo đảm đúng các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện...
Để thực hiện tốt việc xem xét, xác nhận hồ sơ tồn đọng của NCC, Quyết định 408 quy định: Thành lập Tổ công tác liên ngành xác nhận NCC, do Thứ trưởng Bộ LĐTBXH làm tổ trưởng; các thành viên gồm: Đại diện Cục NCC và Thanh tra Bộ LĐTBXH; Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân; Hội CCB Việt Nam, Hội Cựu TNXP Việt Nam; Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin; Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày; Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Theo đó, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch thực hiện, Tổ công tác T.Ư cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát thẩm định hồ sơ đồng thời công khai thông tin hồ sơ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quy trình đặc biệt này giúp Ngành LĐTBXH đưa hơn 1.000 liệt sĩ “trở về” với người thân nhanh hơn, chính xác hơn...
Quyết tâm của Ngành LĐTBXH là trong năm 2018, nỗ lực để giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng trong thực hiện chính sách người có công, công tác quy tập mộ liệt sĩ, chính sách nhà ở cho đối tượng chính sách, NCC. Đó cũng là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Bộ LĐTBXH tổ chức.
Mai Anh