10 năm qua, Việt Nam đã từng bước nâng chuẩn nghèo. Giai đoạn 2006-2010, chuẩn nghèo của Việt Nam quy định, đối với vùng nông thôn là 200.000 đồng/người/tháng, thành thị là 260.000 đồng/người/tháng. Đến giai đoạn 2011-2015, ở vùng nông thôn chuẩn nghèo nâng lên là 400.000 đồng/người/tháng, ở thành thị là 500.000 đồng/người/tháng. Đặc biệt từ năm 2016, chuẩn nghèo sẽ được nâng cao hơn để vừa đảm bảo giá trị của đồng tiền, vừa góp phần cải thiện đời sống cho người nghèo.
Tính thực tiễn của việc giảm nghèo đa chiều theo chuẩn mới cũng là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Thủ tướng cho biết, những năm qua Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2011 xuống còn dưới 4,5% năm 2015, riêng các huyện nghèo giảm từ 58,3% xuống còn khoảng 28%. Trong 20 năm qua, khoảng 30 triệu người thoát nghèo. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp xác định hộ nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, trong đó quy định chuẩn nghèo bao gồm cả tiêu chí thu nhập và các tiêu chí về tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản: y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin, nước sạch và vệ sinh nông thôn.
Theo tính toán bước đầu, với chuẩn nghèo đa chiều, trong đó tiêu chí thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị thì tỷ lệ hộ nghèo hiện nay khoảng 12%, cận nghèo khoảng 6% và dự kiến ngân sách để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng nghèo, cận nghèo năm 2016 tăng khoảng 15.000 tỷ đồng so với năm 2015. “Định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020” có mục tiêu cụ thể góp phần giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm. Riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4% năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020. Kinh phí thực hiện chương trình từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tối thiểu là 46.161 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 41.449 tỷ đồng, còn 4.712 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định số hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới và chuẩn bị các điều kiện thực hiện trong năm 2016 gắn với triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016-2020 vừa được Quốc hội thông qua.
Dương Sơn