Mỹ thoái khỏi châu Phi
Vị trí Chad, Niger và khu vực Sahel.
Cuối tháng 4-2024, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo kế hoạch rút một đơn vị gồm khoảng 75 lính thuộc lực lượng Tác chiến đặc biệt khỏi Niamey, thủ đô Cộng hòa Chad. Đây được xem là đòn giáng mạnh thứ hai vào chính sách an ninh của Mỹ tại khu vực đầy biến động ở Tây và Trung Phi sau khi chính quyền Tổng thống Biden quyết định rút hơn 1.000 quân nhân Mỹ khỏi Niger.
Về mặt hình thức, bước đi cực chẳng đã này của Mỹ được thực hiện theo yêu cầu của chính phủ Chad và Niger về việc đàm phán lại nhằm đạt được những điều khoản có lợi hơn cho các nước này để binh lính Mỹ có thể hoạt động ở đất nước họ. Tuy nhiên, thực chất, quyết định của chính quyền quân sự Chad và Niger gắn liền với vấn đề chủ quyền, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người dân trong nước. "Mục đích của Mỹ không phải để chống khủng bố và chống lại các nhóm phiến quân, mà nhằm duy trì kiểm soát và ngăn chặn sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga, Trung Quốc và Iran trong khu vực. Không có bằng chứng nào cho thấy sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây có tác dụng trong cuộc chiến chống phiến quân", nhà báo Niger nổi tiếng Abdoulaye Sissoko viết.
Gần 1 thập niên qua, Mỹ và đồng minh Pháp (vốn là “mẫu quốc” của nhiều quốc gia ở lục địa Đen) đã có những nỗ lực "xoay trục" về châu Phi nhằm củng cố vai trò của họ tại châu lục giàu tài nguyên và có vị thế ngày càng quan trọng này. Chỉ riêng với các nước khu vực Sahel (dải đất rộng hơn 3 triệu ki-lô-mét vuông kéo dài gần 600km từ bờ biển phía tây đến đông châu Phi, gồm Mauritania, Mali, Niger, Chad, Sudan, Eritria), Mỹ và Pháp đã chi hàng tỷ USD vào các hoạt động “chống khủng bố”, huấn luyện quân đội sở tại và hỗ trợ các chiến dịch quân sự chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các nhánh của al-Qaeda ở đây và các lực lượng phiến quân chống chính phủ.
Tuy nhiên, sự “hỗ trợ” này lại không giúp khu vực phát triển về kinh tế hay ổn định về chính trị, ngược lại, là sự hỗn độn và bạo lực cực đoan. Chính vì vậy, từ năm 2020, giới tướng lĩnh đã thực hiện thành công hàng loạt cuộc đảo chính ở Gabon, Mali, Burkina Faso, Guinea và Niger. Sau khi lên nắm quyền vào tháng 7-2023, chính quyền quân sự Niger ngay lập tức chấm dứt hợp tác quân sự với Pháp và trục xuất đại sứ Pháp. Kết quả, tháng 12-2023, Pháp buộc phải rút binh sĩ khỏi Niger, kết thúc sự hiện diện quân sự 10 năm ở đây, tạo cơ hội để Niger đón nhận Nga thay chân "bảo vệ chế độ" cho họ. Người ta cho rằng đây là một trong những lí do chính để Tổng thống Pháp - Macron thay đổi lập trường trong vấn đề Ukraine, từ chỗ cho rằng “không nên chọc giận Nga” chuyển sang chủ trương đưa lực lượng NATO tham chiến trực tiếp chống Nga ở Ukraine.
Nay, đến lượt quân đội Mỹ cuốn cờ khỏi Niger. Động thái này được xem là đặt dấu chấm hết cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Niger và thể hiện quyết tâm của quốc gia này trong nỗ lực đa dạng hóa đối tác an ninh. Quyết định của Niger đã dội gáo nước lạnh vào lợi ích an ninh và tính toán chiến lược của Mỹ ở châu Phi, nối tiếp xu hướng đã diễn ra ở nhiều quốc gia khu vực khi gần đây, họ trở nên lạnh nhạt với Mỹ và quay sang tăng cường quan hệ với Nga, quốc gia có hiện diện và lợi ích ngày càng tăng ở đây. Đây cũng là thắng lợi mang tính chiến lược của Nga ở Sahel, bởi khu vực này vốn coi phương Tây là đối tác truyền thống.
Ông Ulf Laessing - Giám đốc Chương trình Sahel tại Viện Chính sách Konrad Adenauer Foundation của Đức nói: “Việc Mỹ rút quân sẽ mở cánh cửa để Nga, Trung Quốc và Iran tăng cường hiện diện ở Sahel”. Thực tế, số lượng lớn quân nhân Nga đã được triển khai đến Niger để huấn luyện binh sĩ nước này; Nga cũng đã đồng ý triển khai hệ thống phòng không tại quốc gia châu Phi, nhấn mạnh điều này sẽ giúp không phận Niger "được bảo vệ tốt hơn". Còn Cameron Hudson, cựu chuyên gia về châu Phi của Cơ quan Tình báo T.Ư và Bộ Ngoại giao Mỹ - nay làm việc tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) trụ sở tại Mỹ, cho rằng việc rút binh sĩ khiến Washington giờ đây "chỉ biết đứng nhìn từ bên ngoài". Rằng Mỹ sẽ "câm, điếc và mù" ở Sahel nếu không còn hiện diện quân sự ở Chad và Niger. "Trong kỷ nguyên mới cạnh tranh giữa các cường quốc, Mỹ đang thất thế ở châu Phi", ông Hudson kết luận.
Khôi Nguyên