Mỹ sẽ tấn công Syria mà không cần HĐBA đồng ý? (28/08/2013)

Hội đồng bảo an gồm 15 thành viên đã chia rẽ về vấn đề Syria kể từ năm 2011. Nga, đồng minh chủ chốt của ông Assad, và Trung Quốc đã phủ quyết ba nghị quyết trừng phạt cũng như bỏ ngoài tai những lời kêu gọi nhằm thực hiện các biện pháp cứng rắn đối với nhà lãnh đạo này.

Tuy nhiên, Mỹ - cường quốc từng nhiều lần dẫn đầu các chiến dịch can thiệp quân sự mà không có sự hậu thuẫn của HĐBA, cụ thể như Chiến tranh Kosovo - có thể một lần nữa tái hiện kịch bản năm 1999 này. Các quan chức Mỹ và châu Âu đã lấy dẫn chứng từ chiến dịch ném bom của NATO nhằm gây sức ép, buộc Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic rút quân khỏi Kosovo năm 1999. Khi đó, Mỹ đã "qua mặt" HĐBA để tránh vấp phải sự phủ quyết của Nga và thay vào đó là nhận sự hỗ trợ từ lực lượng quân đội đồng minh NATO.

Song tất cả các cuộc không kích của Anh, Mỹ, Pháp và các nước khác khi chưa có sự phê chuẩn của LHQ nhiều khả năng sẽ khiến Nga tức giận vì Mátxcơva cho rằng đó là một chiến dịch bất hợp pháp. Richard Haas - Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Mỹ (một viện nghiên cứu chính sách) - phản đối ý kiến của Nga rằng các cuộc tấn công của phương Tây đều chỉ có thể diễn ra với sự chấp thuận của LHQ.

Điều 51 của Hiến chương LHQ đề cập đến "quyền tự vệ cá nhân hay tập thể chính đáng trong trường hợp một thành viên của LHQ bị tấn công vũ trang". Trên lý thuyết, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Israel có thể yêu cầu Mỹ và các đồng minh của Mỹ hỗ trợ "phòng vệ" trước việc hai nước phải đối mặt với tình trạng bạo lực ở khu vực biên giới trong suốt thời gian hai năm diễn ra cuộc nội chiến ở Syria.

Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao của LHQ, rất khó để diễn giải Điều 51 và lấy đó làm cơ sở để tiến hành chiến dịch quân sự đáp trả các cuộc tấn công mà không làm ảnh hưởng trực tiếp đến bất kỳ nước láng giềng nào của Syria, Mỹ hay các đồng minh của Mỹ.

Nghị quyết "Đoàn kết vì Hòa bình" năm 1950 quy định Đại Hội đồng LHQ có thể triệu tập khẩn cấp để thảo luận các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế khi HĐBA rơi vào thế bế tắc do bất đồng giữa các thành viên thường trực. Các nhà ngoại giao LHQ cho rằng Mỹ sẽ không viện dẫn nghị quyết này, song có khả năng Washington sẽ tìm kiếm ủng hộ chính trị từ Đại hội đồng LHQ dưới hình thức một nghị quyết không ràng buộc để giúp hợp pháp hóa hành động ở Syria.

Mặc dù nghị quyết không ràng buộc này không có giá trị về mặt pháp lý như một nghị quyết được HĐBA phê chuẩn, song nó sẽ thể hiện sự nhất quán của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong việc ủng hộ một cuộc tấn công trừng phạt - miễn là Mỹ nhận được đủ sự ủng hộ cần thiết trong Đại Hội đồng gồm 193 thành viên. Trong số tất cả các lần bỏ phiếu về vấn đề Syria tại Đại Hội đồng LHQ, đa số các quốc gia đều phản đối ông Assad, mặc dù đa số này đã bị thu hẹp lại trong lần bỏ phiếu gần đây nhất.

Ông Gowan cho rằng phương án này có nhiều tiềm năng. Ông nói: "Trung Quốc và Nga sẽ phản đối bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa nào vào Syria, tuy nhiên, họ có thể bị áp đảo ở LHQ. Đại Hội đồng có thể đề xuất hỗ trợ về mặt chính trị cho các chiến dịch quân sự ngay cả khi HĐBA bị tê liệt".

Tuy nhiên, lựa chọn này có thể sẽ mất nhiều thời gian và không rõ Tổng thống Obama có sẵn sàng chờ đợi nếu ông thực sự quyết định tiến hành một cuộc tấn công hay không. Cũng có khả năng bản nghị quyết không ràng buộc sẽ được Đại Hội đồng tán thành quá muộn, sau khi cuộc tấn công đã xảy ra.

Năm 2012, Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ thập đỏ đã miêu tả cuộc xung đột ở Syria là một cuộc nội chiến, điều đó đồng nghĩa với việc người ta có thể áp dụng Hiệp định Geneva về chiến tranh trong cuộc chiến này. Các nhà ngoại giao LHQ cho rằng việc sử dụng khí ga có thể được coi là tội ác chiến tranh hoặc thậm chí là tội ác chống lại nhân loại.

Trong hơn một thập kỷ qua, Mỹ và các đồng minh đã tiến hành nhiều chiến dịch quân sự mà họ cho là dựa vào sự ủy thác của cộng đồng quốc tế, song Mátxcơva vẫn liên tục bác bỏ điều này. Nga viện dẫn cuộc xâm lược Iraq năm 2003 do Mỹ lãnh đạo - cuộc chiến mà cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan từng miêu tả là "bất hợp pháp" - là lý do để chống lại một cuộc can thiệp của LHQ vào Syria. Khi đó, Oasinhtơn cũng đã tập hợp một "liên minh sẵn sàng" tấn công Iraq sau khi có các cáo buộc về việc chính quyền Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt - thứ chưa bao giờ được tìm thấy./.

Theo Vietnam+