Từ ngày 29 đến 31-5, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 14 đã diễn ra tại Singapore với sự tham dự của các quan chức quốc phòng cấp cao đến từ 26 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, cùng nhiều học giả hàng đầu trong khu vực. Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh-Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu.
Đối thoại Shangri-La 14 diễn ra với sáu phiên thảo luận về các chủ đề: Mỹ và các thách thức an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Các phương thức hợp tác an ninh tại châu Á; Ngăn chặn leo thang xung đột; Vai trò của Trung Quốc trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Tăng cường trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Hướng tới giải quyết xung đột tích cực; Các thách thức an ninh toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương.
Đối thoại Shangri La 14 đã nóng ngay từ khi chưa khai mạc, bởi ngày 27-5, Trung Quốc khởi công xây dựng trái phép 2 ngọn hải đăng tại bãi đá Gạc Ma, bãi đá Châu Viên trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam; Mỹ đã bày tỏ quan ngại động thái này có thể khiến tình hình tại đây thêm căng thẳng.
Phát biểu dẫn đề tại diễn đàn, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự do hàng hải với tuyến đường vận tải biển quan trọng đi qua Biển Đông hiện nay, đồng thời cảnh báo căng thẳng tiếp diễn trên Biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ dẫn đến hệ quả xấu. Ông kêu gọi Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thúc đẩy ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sớm nhất có thể để phá vỡ vòng luẩn quẩn hiện nay và không để tranh chấp làm hỏng mối quan hệ lớn hơn. Ông Lý Hiển Long cũng khẳng định kết quả tốt nhất là tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Theo ông, trong dài hạn, trật tự khu vực ổn định không thể được duy trì chỉ bởi một siêu cường duy nhất, mà đòi hỏi phải được cộng đồng quốc tế nhất trí và công nhận.
Mở đầu phiên toàn thể đầu tiên với nội dung “Mỹ và các thách thức đối với an ninh châu Á-Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Ahston Carter kêu gọi Trung Quốc “ngừng ngay lập tức” hoạt động cải tạo đất trái phép. Ông Carter nói, “chúng tôi phản đối bất kỳ hoạt động quân sự hóa nào đối với các khu vực tranh chấp”, đồng thời nhắc lại quan điểm của Washington, trong đó nhấn mạnh Mỹ muốn có giải pháp hòa bình đối với khu vực cũng như mong muốn ASEAN và Trung Quốc sớm kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Ông Ahston Carter cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là "vô lý" và các lực lượng của Mỹ, nếu được lệnh, sẽ sẵn sàng "chiến đấu để bảo vệ các quyền lợi của Mỹ trong vùng biển châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn". “Mỹ sẽ đến, bằng máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”, ông Ashton Carter nêu rõ. Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ đưa các hệ thống do thám mới như máy bay do thám P-8 Poseidon, máy bay cảnh báo E-2D Hawkeye tới khu vực.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-Gen Nakatani đã cảnh báo các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông có nguy cơ đẩy khu vực vào hỗn loạn, đồng thời hối thúc Trung Quốc hành xử “như một cường quốc có trách nhiệm”.
Bộ trưởng Nakatani cũng đề xuất “Sáng kiến Đối thoại Shangri-La” gồm 3 giải pháp nhằm tăng cường an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực, trong đó có việc các thành viên ASEAN giám sát 24/24 giờ không phận khu vực. Tuy nhiên, việc thiết lập bất kỳ hệ thống kiểm soát an toàn 24/24 giờ đối với 10 nước ASEAN sẽ cần có trình độ hội nhập nhất định mà hiện khối chưa thiết lập. Bên lề Đối thoại Shangri-La 14, ngày 30-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Ashton Carter đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Úc-Kevin Andrews và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật-Gen Nakatani. Theo Japan Times, ba bên đã ra tuyên bố chung lo ngại sâu sắc về hoạt động cải tạo đất hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cực lực phản đối sử dụng vũ lực để ép buộc hoặc đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trả lời phỏng vấn, ông Andrews cho biết: Úc vẫn tiếp tục điều máy bay tuần tra trên Biển Đông và Ấn Độ Dương bất chấp phản đối từ chính quyền Bắc Kinh.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 30-5 tuần dương hạm mang tên lửa USS Shiloh của hải quân Mỹ đã có mặt tại cảng Subic, tây bắc Philippines. Trước đó, ngày 28-5, Tân Hoa Xã cho biết: quân đội Trung Quốc sẽ đưa vũ khí hiện đại đến đảo Hải Nam, sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự trên Biển Đông. Hôm 29-5, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã kéo pháo ra một hòn đảo nhân tạo, hành động được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đánh giá “là dấu hiệu rất xấu cho một tình huống rất phức tạp ở Biển Đông”.
Khổng Đức Bình