Mỹ không chấp nhận quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông
Người đứng đầu Lầu Năm góc nhấn mạnh cho dù thế nào, Mỹ vẫn sẽ can dự vào châu Á, 60% lực lượng hải quân Mỹ vẫn sẽ tập trung ở châu Á-Thái Bình Dương. “Nước Mỹ vẫn sẽ ở đây, tôi chắc chắn với quý vị như vậy”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.
Đặc biệt, ông Mattis khẳng định, Mỹ không chấp nhận quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. “Chúng tôi phản đối các nước quân sự hóa các đảo nhân tạo và thực thi yêu sách hàng hải thái quá. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những nỗ lực đơn phương, cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng của khu vực. Tôn trọng luật quốc tế và tự do hàng hải, hàng không là cách để xây dựng lòng tin, đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho biết, Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, bởi đó là một vấn đề lớn của thế giới. Song, điều đó không có nghĩa Washington sẽ làm ngơ để Bắc Kinh triển khai vũ khí và xây dựng các công trình quân sự khác trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia-Malcolm Turnbull cho rằng Trung Quốc là nước hưởng lợi nhiều nhất từ hoà bình và hoà hợp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vì vậy, cũng sẽ mất nhiều nhất nếu điều đó bị đe dọa. “Trung Quốc sẽ thành công nhất khi tôn trọng chủ quyền của các nước khác”, ông Turnbull nói.
Trả lời câu hỏi của một quan chức quân sự Trung Quốc, ông Turnbull cho rằng một vùng biển an toàn, tự do là nơi trật tự dựa trên các luật lệ được tôn trọng, các nước tránh hành động đơn phương, Trung Quốc tôn trọng quyền của các nước khác, “cá lớn tôn trọng cá bé và tôm tép”.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với khoảng 75% diện tích Biển Đông-khu vực có tổng giá trị hàng hóa khoảng 5.000 tỷ USD đi qua mỗi năm. Trung Quốc còn bồi đắp, quân sự hóa phi pháp 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đăng Quang