Mỹ hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine
Lockheed Martin - nhà sản xuất vũ khí hàng đầu Mỹ vớ bẩm nhờ cuộc chiến Ukraine.
“Tổng kết” tròn 2 năm kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, Mỹ là bên hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến này.
Trước hết, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đã chứng kiến sự bùng nổ về đơn đặt hàng vũ khí và đạn dược. Có hai nguồn khách hàng chủ yếu, một là, từ Lầu Năm góc - vừa mua thiết bị mới từ các nhà sản xuất quốc phòng vừa bổ sung kho quân sự đã cạn kiệt do cung cấp cho Ukraine; hai là, đến từ các đồng minh châu Âu và NATO đang cố gắng tăng cường năng lực quân sự của họ để đối phó với “mối đe dọa” từ Nga.
Theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ của nước này đã tăng 17,5% kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine 2 năm trước. Còn theo tờ Washington Post, trong số 68 tỷ USD mà Mỹ viện trợ cho Ukraine năm 2023, gần 90% khoản kinh phí đã quay trở lại Mỹ để chế tạo mới hay thay thế những vũ khí được cấp cho Ukrane từ kho dự trữ của Mỹ. Bước sang năm 2024, chỉ tính riêng khoản kinh phí 60,7 tỷ USD dành cho Ukraine trong Dự luật Quốc phòng bổ sung trị giá 95 tỷ USD vừa được Thượng viện Mỹ thông qua, 64% sẽ quay trở lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng của chính Mỹ.
Các quan chức chính quyền Biden thừa nhận, nguồn viện trợ được phân bổ cho Ukraine đang thực sự “vỗ béo” ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ, khởi động và mở rộng dây chuyền sản xuất vũ khí và đạn dược, đồng thời hỗ trợ việc làm ở 40 bang.
Trong khi đó, theo ông Myles Walton - nhà phân tích công nghiệp quân sự tại Hãng nghiên cứu Wolfe Research thì kinh phí mà các nước châu Âu dành cho việc mua sắm máy bay chiến đấu và các thiết bị quân sự khác do Mỹ chế tạo trong hai năm qua đã “tương đương với 20 năm trước đó”. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: Hai năm qua, Mỹ đã thực hiện hơn 80 tỷ USD trong các hợp đồng vũ khí lớn, trong đó khoảng 50 tỷ USD được chuyển cho các đồng minh châu Âu - gấp hơn 5 lần so với tiêu chuẩn lịch sử. Điển hình, Ba Lan đã đặt hàng trị giá khoảng 30 tỷ USD mua máy bay trực thăng Apache, hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS), xe tăng M1A1 Abrams và các thiết bị quân sự khác. Đức đã chi 8,5 tỷ USD mua máy bay trực thăng Chinook và các thiết bị liên quan...
Không chỉ trong ngành công nghiệp quốc phòng, việc các nước EU “đoạn tuyệt” với khí đốt giá rẻ của Nga đã khiến giá năng lượng và lạm phát tăng mạnh ở châu Âu, đồng thời thúc đẩy nhu cầu của châu Âu đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ. Theo cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), từ tháng 2-2022 đến tháng 10-2023, Mỹ đã kiếm được 66,7 tỷ euro (72,65 tỷ USD) từ việc cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu. Eurostat tính toán, bình quân mỗi tháng EU mua 3,1 tỷ mét khối khí đốt trị giá 3,3 tỷ euro; EU đã trả cho Mỹ nhiều hơn 52,2 tỷ euro so với số tiền họ lẽ ra phải trả cho Nga cho cùng một khối lượng nhiên liệu.
Còn theo Reuters, lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ cung cấp nhiều LNG cho EU so với Nga nhưng khí đốt Mỹ đắt gấp 10 lần so với khí đốt Nga. Năm 2023, Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới (khoảng 89 triệu mét khối), và xuất khẩu LNG của nước này dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2030 nhờ 5 dự án đã được phê duyệt với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ USD. Khoảng 2/3 lượng khí đốt xuất khẩu từ 5 dự án này sẽ sang châu Âu.
Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken từng thừa nhận rằng việc “Hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga giúp cho nền kinh tế Mỹ tăng trưởng”. Và, không phải ngẫu nhiên mà Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc “Mỹ coi cuộc xung đột ở Ukraine là một dự án kinh doanh có lợi nhận”!
Đăng Song