Mười sự kiện quốc tế nổi bật năm 2015

2- Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-27 diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia), ngày 22-11, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc chính thức thành lập Cộng đồng chung từ ngày 31-12-2015. Đây là một mốc quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế-văn hóa của nhân dân các nước khu vực Đông Nam Á, sẽ góp phần củng cố vai trò của ASEAN trong việc tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực. Tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc hội nhập kinh tế, nâng cao tính tự cường cho các nền kinh tế thành viên, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm của khu vực ở mức trung bình trên 5%. Từ đó, hướng tới mục tiêu lấy người dân ASEAN làm trung tâm, tạo điều kiện cho hội nhập toàn diện, hài hòa, cân bằng và bền vững trên cả ba trụ cột là cộng đồng An ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hoá-xã hội.
3- Trung Quốc tăng cường tôn tạo, bồi đắp trái phép ở Biển Đông
Bất chấp những cam kết kiểu “không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp”, Trung Quốc có bước tiến xa hơn nhằm hiện thực hóa tham vọng ở Biển Đông, qua việc tăng tốc tôn tạo, xây dựng phi pháp các đảo, đá tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hành động phi đạo lý và bất chấp pháp lý này cũng như tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông bị nhiều nước phản đối, lên án. Phillipines đã chính thức kiện Trung Quốc lên Toà trọng tài Thường trực LHQ (PCA). Hoa Kỳ cho rằng mọi hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông “không giúp ích cho hòa bình khu vực” và nhằm đảm bảo tự do, an ninh an toàn hàng hải; đã cho tàu chiến tuần tra tại khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã xây dựng.

4- Kết thúc đàm phán TPP
Ngày 5-10-2015, sau 5 năm đàm phán, 12 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được những thỏa thuận cuối cùng. Đây là FTA lớn nhất thế giới-bao phủ 40% kinh tế toàn cầu, cam kết mở cửa trên 20 lĩnh vực khác nhau với phạm vi và mức độ sâu rộng hơn so với các FTA thông thường, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng tại các quốc gia thành viên với việc bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. Tham gia TPP, Việt Nam được hưởng lợi nhờ tăng kim ngạch xuất khẩu-khoảng 68 tỉ USD vào năm 2025, tăng GDP-khoảng 33,5 tỉ USD vào năm 2025, thu hút công nghệ cao và vốn đầu tư, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh-một số doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng khó khăn, phá sản, dẫn đến một bộ phận người lao động có thể thất nghiệp, gây bức xúc xã hội; việc thực hiện cơ chế thị trường tự do nếu thiếu kiểm soát có thể ảnh hưởng đến độc lập, chủ quyền đất nước và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
5- Bước ngoặt mới, cục diện mới trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng
Việc can dự bất ngờ, thực chất, có hiệu quả của Nga làm cán cân lực lượng nghiêng về phía quân đội Chính phủ Syria; cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng của IS tại Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Lebanon, Pháp, cùng các vụ tấn công khác đã trở thành chất xúc tác để lần đầu tiên các nước phương Tây buộc phải phối hợp cùng Nga đối phó với IS. Thực tế, IS ngày càng cho thấy quyết tâm và khả năng trở thành một lực lượng Thánh chiến lớn trên toàn cầu, đủ sức bành trướng và vươn xa hơn phạm vi một “vương quốc Hồi giáo” mà tổ chức này tự dựng lên ở Syria và Iraq. Chỉ có sự phối hợp chặt chẽ, thực chất của cộng đồng quốc tế, trước hết là Hoa Kỳ, Nga, EU mới có thể đối phó hiệu quả tiến tới tiêu diệt tận gốc tổ chức khủng bố IS. Trong khi đó, vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga đang thực hiện không kích vào lực lượng khủng bố và đưa quân vào Iraq cho thấy tính chất phức tạp của cuộc chiến chống IS và việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

6- Khủng hoảng người di cư làm u ám châu Âu
Trong khi khủng hoảng nợ Hy Lạp vẫn còn chưa được giải quyết một cách căn cơ thì những dòng người tị nạn từ Trung Đông, Bắc Phi ùn ùn kéo đến đang làm chia rẽ Liên minh châu Âu (EU). Nhiều nước không đồng tình với đề xuất của Đức phân hạn ngạch người nhập cư cho từng nước. Những khoản chi đột xuất và lớn cho người di cư có thể làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của một số nước. Xung đột về văn hóa và tôn giáo rất có thể bùng nổ khi phần lớn những người tị nạn là người Hồi giáo đến từ Syria, Iraq và châu Phi vốn đang chất chứa không ít bất bình về khoảng cách giàu/nghèo. Cuộc khủng hoảng nhập cư đặt “Ngôi nhà chung” EU gồm 28 thành viên trước sự lựa chọn khó khăn: hoặc là thống nhất hoặc là “sự sụp đổ lặng lẽ”. Cùng với mối đe dọa khủng bố, đây là một bài toán vô cùng nan giải đối với các nhà lãnh đạo “lục địa già”.

7- Giá dầu thế giới giảm kỷ lục
Sự dư thừa nguồn cung toàn cầu do kinh tế Trung Quốc giảm tốc và sự gia tăng chóng mặt sản lượng dầu của các nước OPEC, Hoa Kỳ… dẫn đến giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm gần đây. Tình hình này có thể tạo ra những tác động địa chính trị to lớn tới cục diện thế giới, như gây tổn hại cho Nga, Venezuela, Iran.. là những nước có nguồn thu ngân sách chủ yếu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, nhưng lại tăng cường sức mạnh cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu giá dầu giảm trong một thời gian dài nữa, các nhà khai thác sẽ bị phá sản do đã cạn nguồn lực để duy trì sản xuất. Mặt khác, những nước nhập khẩu ròng về dầu-như Trung Quốc lại được hưởng lợi từ giá dầu giảm; các doanh nghiệp cũng thu lợi nhuận cao hơn từ mức giá dầu rẻ hơn. Một số phân tích cho rằng với giá dầu giảm mạnh, một chu kỳ mới của tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ bùng nổ, điều này có lợi cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

8- Đạt được thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) đã đạt được thỏa thuận lịch sử-Thỏa thuận Paris thay thế cho Nghị định thư Kyoto, xác định một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020. Theo đó, 195 nước tham gia COP21 cam kết cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là lần đầu tiên trong suốt hơn 20 năm đàm phán về khí hậu trong khuôn khổ LHQ, cộng đồng quốc tế mới đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc với sự tham gia của tất cả các quốc gia thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn, kể cả các nước phát triển và đang phát triển.

9- Thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran
Ngày 14-7, sau 20 tháng đàm phán căng thẳng, Iran và nhóm P5+1 (gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân của Iran. Theo đó, các lệnh trừng phạt do phương Tây và LHQ áp đặt lên Iran suốt 12 năm qua sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Tehran phải cắt giảm 2/3 số máy ly tâm, xuống còn khoảng 6.000 máy và loại bỏ 98% lượng uranium đã làm giàu. Các thanh sát viên LHQ được phép đến kiểm tra những cơ sở quân sự của Iran mặc dù Iran có quyền khiếu nại quyết định triển khai thanh sát. Lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Iran sẽ vẫn được duy trì trong 5 năm và lệnh cấm chuyển giao công nghệ chế tạo tên lửa tiếp tục có hiệu lực trong 8 năm tới. Thỏa thuận hạt nhân Iran-P5+1 được kỳ vọng sẽ ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông, giúp giảm bớt sự cô lập ngoại giao của Iran và mở ra chương mới trong mối quan hệ của nước này với thế giới.

10- Bầu cử lịch sử ở Myanmar
Trong cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên sau 25 năm được tổ chức ngày 8-11-2015, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng lịch sử trước đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang Myanmar (USDP) cầm quyền, với 348 ghế tại Quốc hội (thừa 19 so với 329 ghế cần thiết để tự đứng ra thành lập Chính phủ). Tuy nhiên, Hiến pháp Myanmar hiện thời không cho phép bà Suu Kyi giữ chức Tổng thống, do chồng và hai con trai bà mang quốc tịch nước ngoài. Trong khi đó, quân đội nước này vẫn nắm các vị trí Bộ trưởng các bộ Quốc phòng, Nội vụ, Biên phòng và điều hành cảnh sát, chính quyền địa phương. Thứ hai, Chính phủ mới cần tìm ra con đường hòa giải dân tộc với gần hai chục tổ chức vũ trang, nhất là ở khu vực biên giới với Trung Quốc. Cuối cùng, con đường dân chủ sẽ không thể thành công nếu không song hành với việc cải thiện phúc lợi cho hàng chục triệu trong số 52 triệu người dân Myanmar hiện sống dưới mức nghèo khó.
Báo CCB Việt Nam