Mục tiêu dang dở
Tổng thống Joe Biden và Phu nhân đặt vòng hoa tưởng niệm những nạn nhân của vụ khủng bố tại Lầu Năm góc ngày 11-9.
"Chủ nghĩa anh hùng xuất hiện mọi nơi, cả ở những nơi được kỳ vọng và những nơi chúng ta không ngờ tới" - Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh trong bài phát biểu kỷ niệm 20 năm nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9 vừa qua.
Đúng vậy, chủ nghĩa anh hùng, tinh thần đoàn kết đã đưa nước Mỹ vươn lên một lần nữa khi “người khổng lồ đang ngủ” bị “đánh thức” bởi một vụ khủng bố quy mô lớn được tính toán kỹ càng. Năm 1942, khi bị tấn công bất ngờ ở Trân Châu Cảng, Mỹ huy động tổng lực mọi sức mạnh của mình để can dự trực tiếp vào Chiến tranh thế giới lần thứ 2, vươn lên bá chủ thế giới, dẫn dắt đồng minh lập nên một trật tự thế giới mới cho đến tận ngày nay.
Các vụ tấn công ngày 11-9-2001 khiến 2.996 người thiệt mạng chỉ trong vòng 77 phút, hơn 6.000 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ít nhất 10 tỷ USD, đồng thời gây những tổn thất tổng cộng ước tính lên tới 3.000 tỷ USD. Đây cũng là thảm họa gây thiệt hại về người lớn nhất của lực lượng lính cứu hỏa và hành pháp trong lịch sử nước Mỹ, với 343 lính cứu hỏa và 72 sĩ quan hành pháp hy sinh. Thảm kịch ngày 11-9 cũng để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng, đặc biệt đối với người dân New York. Ngoài ra, nước Mỹ còn bị “tổn thương” sâu sắc bởi đây được xem là vụ tấn công vào hai biểu tượng sức mạnh của cường quốc này, tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) và Lầu Năm góc.
Các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9 không chỉ khiến nước Mỹ thay đổi mà tác động tới cả thế giới, tới cách sinh hoạt của người dân khi an ninh được siết chặt hơn ở những cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là các sân bay. Đó là trong đời sống thường nhật. Nước Mỹ không bao giờ nhân nhượng với kẻ thù của mình. Bước ngoặt đáng kể nhất đã được thực hiện khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, với việc đưa quân vào Afghanistan, nơi ẩn náu của đối tượng chủ mưu vụ tấn công ngày 11-9 - Osama bin Laden - thủ lĩnh tổ chức khủng bố Al Qaeda. Thế rồi, với các nỗ lực không mệt mỏi của Mỹ và đồng minh, bin Laden đã bị tiêu diệt. Chẳng những thế, các chân rết của khủng bố và cả những tổ chức khủng bố lớn như "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cũng bị đập tan bởi Mỹ và đồng minh.
Thành công là vậy, nhưng lễ kỷ niệm ngày 11-9 năm nay của Mỹ bị phủ bóng đen khi Taliban lại kiểm soát hoàn toàn Afghanistan và kịp lập ra một Chính phủ lâm thời. Các chính quyền của Mỹ đều tuyên bố không nhân nhượng với khủng bố, không đàm phán với khủng bố nhưng chính họ đã đàm phán với Taliban, lực lượng nắm chính quyền ở Afghanistan và bị Mỹ đưa quân tấn công ngay trong năm 2001 sau khi bị khủng bố tấn công. Các cam kết của Mỹ nhằm xây dựng một chính quyền Afghanistan đủ mạnh để bảo vệ đất nước, để có thể trụ vững trước các đợt tấn công của Taliban đều nhanh chóng tan biến “như một giấc mơ” khi quân Taliban làm chủ Afghanistan “dễ như chẻ tre”. Hình ảnh các chuyến bay sơ tán khẩn cấp cất cánh vội vã rời khỏi Kabul là minh chứng cho sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến kéo dài 20 năm hao người, tốn của của Washington.
20 năm không phải là dài với lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ. Là cường quốc hàng đầu thế giới, mỗi thay đổi của nước Mỹ tác động sâu sắc trên toàn cầu. Bài học rút ra từ các vụ khủng bố ngày 11-9 là bài học chung của nhân loại và cuộc chiến chống khủng bố cũng là trách nhiệm chung của mọi quốc gia. Thế nhưng, Mỹ và đồng minh đã không hoàn thành mục tiêu tấn công tiêu diệt hết các lực lượng khủng bố ở Afghanistan, bỏ lại một Afghanistan tan hoang hơn trước khi người lính Mỹ đầu tiên đặt chân lên quốc gia này 20 năm trước. Mối đe dọa khủng bố vẫn còn đó.
Thanh Huyền