“Mùa vàng” trên bãi bồi
Mô hình trồng chuối mỗi năm cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng.
Nhận đấu thầu vùng đất bãi bồi sông Hồng để trồng lúa, CCB Lại Văn Quang (xã Giao Hương, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đã biến vùng đất hoang vu, thường bị xâm nhập mặn trở thành vùng trồng lúa nếp đặc sản, mỗi năm cho sản lượng trên 600 tấn. Theo đánh giá của người tiêu dùng: Lúa nếp đặc sản tại bãi bồi sồng Hồng có độ bùi, béo, vị thơm, khi đồ lên xôi dẻo và dai. Xôi có vị ngọt mộc mạc, đậm đà nhờ việc gieo trồng trên bãi bồi với chất đất có nhiều lượng phù sa. Vì thế, vẫn là giống lúa nếp ấy nhưng đem đi nơi khác trồng thì cơm chỉ dẻo mà không có hương thơm đặc trưng. Thế nên cả vùng quen gọi “Nếp đặc sản trên đất bãi Giao Hương”.
Giống lúa nếp cái hoa vàng trồng ở đất bãi mỗi năm chỉ cấy được duy nhất ở vụ mùa. Thời gian còn lại, từ tháng 11 của năm trước đến tháng 5 năm sau, ông Quang tiến hành nuôi tôm rảo theo hướng quảng canh và đem lại giá trị kinh tế cao. Nhận thấy mô hình làm ăn có hiệu quả, ông tiếp tục nhận đấu thầu 40 mẫu đất bãi ven sông, đồng thời đầu tư mua máy cày bừa, máy gặt đập liên hoàn, máy phun thuốc sâu, máy sấy lúa…
Nhằm tận dụng diện tích đất nổi khu vực bãi bồi, CCB Lại Văn Quang thay thế giống chuối tây truyền thống sang trồng chuối tây thuộc Công ty giống cây trồng tỉnh Hải Dương chọn tạo. Nhờ có kỹ thuật từ việc chọn cây giống, chăm bón và xử lý sâu bệnh nên toàn bộ diện tích chuối thương phẩm được thu hoạch trước mùa bão, tránh bị thiệt hại về kinh tế. Hằng năm, ông thu hoạch khoảng 2.000 buồng chuối, với giá bán như hiện nay 7.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông Quang thu nhập khoảng 350 triệu đồng.
Với chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn, mùa nào thức nấy, các thương lái về tận nơi để thu mua với sản lượng lớn. Mô hình sản xuất đã tạo việc làm thường xuyên cho 2-3 lao động, vào lúc mùa vụ tăng lên từ 10-12 lao động với mức thu nhập từ 160.000 - 200.000 đồng/người/ngày.
Thu An