Mùa lạnh với bệnh viêm thanh quản cấp: Triệu chứng của bệnh
Bệnh nhân có thể ho từng cơn, lúc đầu ho khan, sau đó ho có đờm nhày. Những triệu chứng trên của bệnh thường kéo dài trong vài ngày. Sau đó, các triệu chứng giảm dần, khoảng sau 7 ngày thì khỏi. Tuy nhiên, cũng có thể chỉ khỏi cơn ho, sốt, chảy mũi nhưng khàn tiếng có thể kéo dài thêm một vài ngày nữa mới khỏi hẳn. Ở một vài trường hợp viêm thanh quản cấp do virut cúm, sởi… gây nên, ở trẻ nhỏ thường bệnh lan tiếp theo đường hô hấp gây viêm khí-phế quản, nặng hơn có thể gây nên viêm phổi.
Cách phòng bệnh viêm thanh quản
Theo GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh thì khi mắc viêm thanh quản cấp người bệnh cần nghỉ ngơi, hạn chế nói, giữ ấm người, đặc biệt là giữ ấm cổ, gan bàn chân, tay. Khi có biểu hiện bội nhiễm bệnh nhân sốt, ho… thì phải dùng kháng sinh, dùng thuốc giảm ho (cần đi khám bệnh để bác sĩ kê đơn). Để làm giảm các triệu chứng khó chịu bệnh nhân có thể đắp khăn nhúng nước ấm rồi vắt kiệt đắp trước cổ; xông hơi với tinh dầu thơm, nhỏ thuốc ngạt mũi, súc họng… giúp giảm đau, ho và viên họng.
Để phòng viêm thanh quản cấp thông thường, Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, cần lưu ý không để bị lạnh, ẩm kéo dài. Nhất là khi đi trời mưa về, cần lau khô người, thay quần áo, không rất dễ bị lạnh.
Không được hút thuốc lá, thuốc lào và tránh hít phải khói thuốc; khói thuốc làm khô họng và gây kích ứng dây thanh âm. Uống nhiều nước, nước giúp giữ cho niêm mạc thanh quản được trơn nhẵn và sạch. Hạn chế rượu và cà phê để đề phòng khô họng.
Khi đi đường, làm việc trong môi trường bụi nên đeo khẩu trang vừa có tác dụng tránh bụi, lại tránh được cả lạnh. Khi có những triệu chứng sớm của viêm mũi, viêm họng cấp cần được điều trị ngay. Như thế bệnh sẽ không tiến triển nặng hơn, việc điều trị nhanh đem lại kết quả hơn.
Thành An