Mùa hành hương kém vui
Hajj không chỉ là cuộc hành hương tôn giáo mà còn là biểu tượng quyền lực của Saudi Arabia, bởi hai thánh đường Mecca và Medina đều nằm trên lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, cuộc hành hương năm nay diễn ra trong tình hình địa chính trị xung quanh Saudi Arabia đang thay đổi nhanh chóng.
Saudi Arabia phải đối mặt với nhiều thách thức từ Iran ở phía Đông, sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan ở phía Bắc (Iraq và Syria) và ở phía Nam (Yemen). Đặc biệt, cuộc khủng hoảng ngoại giao với Qatar trong vài tháng qua khiến Saudi Arabia thêm đau đầu. Qatar, với vị thế là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng lớn nhất thế giới, đã theo đuổi chính sách mà Saudi Arabia và các đồng minh xem là mối đe doạ đối với lợi ích của họ; từ đó, cũng gây ra nhiều khó khăn cho công dân Qatar khi bước vào mùa hành hương.
Tình hình càng căng thẳng khi vào cuối tháng bảy vừa qua, đối thủ truyền kiếp của Saudi Arabia là Iran (và dường như cả Qatar), chính thức kêu gọi quốc tế hóa Mecca và Medina. Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia đã bác bỏ lời kêu gọi này, tuyên bố với báo chí rằng đây là “hành động hung hãn và tuyên chiến” với Saudi Arabia.
Mặc dù Iran, một quốc gia Hồi giáo Shiite, không có nhiều tiếng nói trong thế giới Hồi giáo Sunni, song sự phản đối quyết liệt của Riyadh cho thấy tầm quan trọng của hai thánh địa linh thiêng này đối với Saudi Arabia. Từ trước đến nay, mặc dù đa số cộng đồng Hồi giáo phản đối những nỗ lực của Saudi Arabia nhằm điều hành các thánh địa theo hệ tư tưởng Salafi, nhưng các quốc gia Hồi giáo vẫn chấp nhận Riyadh trong vai trò quản lý các thánh địa và nhà tổ chức Hajj. Nay thì đang bắt đầu một quan điểm chung được nhiều người Hồi giáo khắp nơi trên thế giới đồng tình, là Saudi Arabia không nên sử dụng Mecca và Medina như một đòn bẩy chính trị.
Lễ hành hương Hajj là minh chứng cho sự đoàn kết của người Hồi giáo cũng như lòng quy phục của họ trước Thánh Allah. Hajj lần này diễn ra trong bối cảnh quốc gia “đăng cai” đang gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng tài chính vì giá dầu giảm và quan hệ với các quốc gia Hồi giáo khác đang khủng hoảng nghiêm trọng. Do vậy, bất kỳ một trục trặc nào trong quản lý Hajj và duy trì ổn định tại hai thành phố linh thiêng chắc chắn càng làm suy yếu vị thế của Saudi Arabia trong thế giới Hồi giáo.
Nguyên Phong