Một trong những liệt sĩ đầu tiên của quân đội ta (14/07/2011)
Ở tuổi thanh niên, Xuân Trường khoẻ mạnh, đẹp trai, ít nói, hay làm việc tốt nhận việc nặng. Vì nghèo và theo phong tục địa phương, bố anh đi ở rể, anh theo họ mẹ. Họ mẹ là Hoàng, họ bố là Nông.
Ghét giặc Pháp và bọn áp bức địa phương, Xuân Trường sớm giác ngộ cách mạng, anh đã tham gia phục vụ các hoạt động cách mạng từ năm 1936.
Anh bị giặc Pháp bắt cùng với các đồng chí Đàm Ngọc Lựu (tên thật của đồng chí Thượng tướng Đàm Quang Trung), Đàm Văn Thử (tức Tứ Quý), Nông Ngọc Sung (tức Năm Tuấn)... Sau đó, các đồng chí cùng được thả vì địch không đủ bằng chứng kết tội “Âm mưu lật đổ chính quyền”. Nhưng các anh bị quản thúc, không được ra khỏi xã, hằng tuần phải trình diện Tri phủ hai lần vào thứ năm và thứ bảy.
Những nhà tù của bọn đế quốc còn không nhốt nổi trái tim bao người yêu nước, thì sự quản thúc của giặc làm sao ghìm chân được những thanh niên sớm giác ngộ, đầy nhiệt huyết cách mạng. Năm 1944, đồng chí Xuân Trường tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm, Lê Thiết Hùng... trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy. Đến nay, những ai trong đồng đội còn nhớ như in đồng chí Xuân Trường là một chiến sĩ luôn vui vẻ, thích nhận những nhiệm vụ khó khăn, hoàn thành bao giờ cũng xuất sắc, được cấp chỉ huy tin yêu, tập thể mến phục.
Khi được lệnh của Trung ương đánh đồn Tồng Mu, đồng chí Xuân Trường vui vẻ nhận nhiệm vụ nguy hiểm nhất là trườn dưới hàng rào dây thép gai dầy đặc, mở đường công đồn. Giờ phút hiểm nghèo nhất của trận đánh, toàn đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân không một ai lùi bước. Đồng chí tiểu đội trưởng tiểu đội 1 Đàm Quang Trung là một trong những tấm gương chói lọi về tinh thần dũng cảm, bắn hết đạn còn dùng mũi súng thúc vào bụng giặc, làm chết thêm vài tên, rồi dùng dao găm đâm chết một số tên khác.
Noi gương các đồng chí chỉ huy, đồng chí Xuân Trường bình tĩnh trườn dưới mưa đạn của địch từ đồn Tồng Mu bắn ra. Súng hóc, anh nghiêng mình thông nòng tại chỗ dưới hàng rào dây thép gai. Đạn địch đã xối vào ngực người đồng chí rất đỗi yêu thương của tiểu đội 1 Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân: Đồng chí Xuân Trường.
Hôm ấy là mồng 4-02-1945, tức 22 tháng chạp ta, ngày chúng ta vĩnh biệt đồng chí là một trong những liệt sĩ đầu tiên của quân đội ta.
Hôm nay và mãi mãi sau này, ai về nghĩa trang liệt sĩ huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, sẽ thấy một tấm bia bằng cẩm thạch đen, chữ vàng cắm trên phần mộ, nơi để hài cốt của đồng chí Xuân Trường. Và tại nơi đồng chí Xuân Trường ngã xuống, sát đồn Tồng Mu xưa, nhân dân đã dựng tấm bia kỷ niệm sự hy sinh của người con quê hương.
Nguyễn Kim Ngọc