Một thời trận mạc (16/03/2011)

Những trận chiến đấu nối tiếp nhau, trận tiến công, trận phòng ngự, trận phục kịch, trận bao vây diệt viện… mà trận nào cũng thắng. Rời đơn vị chiến đấu, đảm nhận chức Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần vẫn là lo “thực túc binh cường”. Sang Quốc hội, là Phó chủ tịch Quốc hội kiêm chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh… Mỗi trận đánh là một kỷ niệm nhớ đời, là một biểu tượng sống, một phẩm chất làm nên cốt cách anh hùng. Ít ai ngờ Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh là một học sinh bước vào trận chiến mà có được những phẩm chất gan dạ, anh hùng, nhanh chóng trưởng thành trong chiến đấu rồi lại từ chiến đấu bước sang môi trường công tác mới vẫn mang cốt cách “Bộ đội Cụ Hồ”.

Đầu tháng 8-1964, chiến tranh nổ ra trên cả nước và ngày càng ác liệt. Chỉ 3 tháng sau, ngày 25-11-1964, anh thanh niên làng Vĩnh Thượng, xã Khái Thái, Phú Xuyên, Hà Tây, đang học dở cấp 3, chia tay gia đình, quê hương lên đường nhập ngũ. Ngày 7-3-1965, trận đánh đầu tiên của binh nhất Nguyễn Phúc Thanh, tổ trưởng tổ liên lạc đại đội 7, tiểu đoàn 2, trung đoàn 9, sư đoàn B04, phục kích địch diễn ra trên đường 23 ở phía đông Pha Lan (nước bạn Lào). Trong khi vận động truyền lệnh cho các trung đội, Nguyễn Phúc Thanh phát hiện địch có hiện tượng tháo chạy, đã đề nghị đại đội trưởng Đinh Văn Xòe phát lệnh xung phong. Ta đã tiêu diệt 47 tên, bắt sống 7 tên, thu nhiều vũ khí, quân dụng; đại đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nguyễn Phúc Thanh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Tiếp theo là trận tiến công căn cứ Đồng Hến thắng lợi, ngày 29-3-1965, Nguyễn Phúc Thanh được bổ nhiệm chức vụ trung đội phó trung đội 7, đại đội 7 và thăng quân hàm vượt cấp từ binh nhất lên trung sĩ. Thêm nhiều trận đánh khác, năm 1966, Nguyễn Phúc Thanh được về nước đào tạo sĩ quan tại Trường quân chính Quân khu 4. Tháng 10-1967, đại đội phó Nguyễn Phúc Thanh được giữ quyền đại đội trưởng đại đội 6, tiểu đoàn 2, trung đoàn 9, chỉ huy 50 tay súng đánh địch tại khu vực động Ông Gio (Hải Lăng, Quảng Trị). Khi tiếp cận thì đối tượng tác chiến là hơn 200 tên lính thủy đánh bộ Mỹ. Với cách đánh áp sát (không phân tuyến) bất ngờ tiến công, đại đội đã tiêu diệt 98 tên Mỹ, làm bị thương hàng chục tên khác. Đại đội có 2 đồng chí hy sinh, 3 đồng chí bị thương nặng. Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh tâm sự: Sau mỗi trận đánh, đơn vị đều tổ chức bình công, báo công; các liệt sĩ, thương binh là “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú”; tôi ném thủ pháo diệt 6 tên dưới hố bom, anh em bình “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 2”. Nhưng điều quan trọng là chiến thắng đã mở ra phong trào “Dám đánh Mỹ, quyết đánh thắng quân đội Mỹ” ở trung đoàn 9, sư đoàn B04”.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đại đội 6 có nhiệm vụ đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng, giải phóng Nhà lao Thừa Phủ, chiếm xưởng quân cụ rồi phát triển xuống khu làng Phước Quả, xây dựng trận địa chốt tại cầu Bến Ngự, cầu Kho Rèn. Dù chưa có kinh nghiệm tác chiến trong đô thị và đồng bằng, đại đội 6 có sáng kiến ghép bè bằng cây bương để vượt sông Hương, kết hợp nghi binh với tiến công đột phá, tiêu diệt và bắt sống gần 700 tên địch, góp phần giải phóng vùng Nam thành phố Huế rồi chuyển sang phòng ngự tiến công suốt 25 ngày đêm, đại đội được tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Báo Quân giải phóng số đặc biệt ra ngày 25-1-1969 viết: “Trong năm qua, Nguyễn Phúc Thanh đã chỉ huy đơn vị đánh 36 trận, riêng anh diệt 117 tên, 1 xe tăng, được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất. Trong chiến đấu anh là một cán bộ chỉ huy có bản lĩnh, nắm chắc thời cơ, biết phán đoán địch, táo bạo xử lý xoay chuyển tình thế trong những tình huống hiểm nghèo quyết giành thắng lợi”. Đợt này anh được đề bạt lên tiểu đoàn phó tiểu đoàn 2, rồi tiếp tục chỉ huy đánh nhiều trận nữa cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc và phát triển lên cán bộ cấp sư đoàn, Quân đoàn 2, được tuyên dương Anh hùng LLVTND năm 2010.

Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh công tác ở Quốc hội các khóa X và XI để lại dấu ấn đậm nét trong cử tri và nhân dân cả nước vì những đóng góp có tầm chiến lược, đặc biệt ở trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Đào sâu suy nghĩ, luôn luôn học hỏi, tìm tòi sáng tạo, bám sát cơ sở và thực tiễn cuộc sống, ông đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, góp phần phát triển KTXH và xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh.

Năm 2003, một đoàn đại biểu Thượng, Hạ nghị viện Mỹ sang Việt Nam, trong đó có Hạ nghị sĩ Mi Si-mân, nguyên là lính Mỹ tham chiến tại miền Nam Việt Nam, bị bắt trong tết Mậu Thân 1968 ở Huế. Khi được biết Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh là Trung tướng, đã chỉ huy trên chiến trường Trị Thiên - Huế, ông rất bất ngờ và khâm phục. Về nước, Mi Si-mân đã cùng Thượng nghị sĩ Giôn Mắc-kên (nguyên là phi công Mỹ bị bắn rơi, nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch, Hà Nội) đã vận động thành lập Hội Hữu nghị Việt - Mỹ trong Hạ viện rồi mời Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh sang thăm và dự buổi ra mắt. Trong dịp này, Trung tướng đã hỏi các nghị sĩ Mỹ có khi nào các ngài nhớ đến thời điểm quốc hội các ngài biểu quyết thông qua nghị quyết về vịnh Bắc Bộ không? Nhiều nghị sĩ Mỹ đã thẳng thắn trả lời: “Đó là một bài học lịch sử mà nước Mỹ không bao giờ quên”.

Tô Kiều Thẩm