Một sự vu khống, xuyên tạc trắng trợn tình hình báo chí ở Việt Nam (19/02/2013)

Về tình hình báo chí ở Việt Nam, căn cứ vào thái độ tiếp cận và các đánh giá mà CPJ đã đưa ra, cần khẳng định rằng, thực chất đó là sự tiếp tay cho các thế lực đang hằng ngày, hằng giờ phá hoại, cản trở sự ổn định và phát triển của Việt Nam...

Sau khi Tổ chức bảo vệ nhà báo (Committee to Protect Journalists - CPJ) công bố "phúc trình thường niên về tình hình tự do báo chí toàn cầu" trong đó chứa đựng nhiều nội dung vu khống và xuyên tạc tình hình báo chí ở Việt Nam, ngay lập tức các cơ quan truyền thông như VOA, BBC, RFA,... liền khai thác thông tin từ "phúc trình" này để đăng tải các bài báo mà ngay nhan đề đã chứa đựng thái độ thiếu thiện chí, như: CPJ: Việt Nam, một trong năm nước bỏ tù nhiều ký giả nhất thế giới (VOA), CPJ nói làm báo ở Việt Nam là "nguy hiểm" (BBC)... Sau đó, mấy bài báo kể trên nhanh chóng được đăng lại tại một số website, blog và dường như người ta hy vọng, khi sự xuyên tạc, vu khống tiếp tục được nối dài, sẽ tác động tiêu cực tới dư luận, làm ảnh hưởng tới uy tín của Nhà nước Việt Nam và tình hình báo chí ở Việt Nam!?

Trướchết phải nói rằng, từ quan niệm của họ, thể hiện cụ thể qua phúc trình, CPJ đã cố tình tạo dựng sự mập mờ bằng cách tảng lờ không quan tâm tới sự khác nhau giữa người hoạt động báo chí với tư cách là hoạt động nghề nghiệp được xã hội công nhận và được pháp luật bảo vệ, với người sử dụng internet làm phương tiện truyền bá ý kiến đi ngược tiến trình phát triển xã hội, tuyên truyền luận điệu sai trái, bình luận một số sự kiện - vấn đề một cách tiêu cực, xuyên tạc và bịa đặt,... từ đó gây hoang mang trong dư luận, làm mất ổn định xã hội. Nếu những người ở CPJ đủ tự tin để tự trao cho mình sứ mạng "thúc đẩy tự do báo chí và bảo vệ các quyền của nhà báo" thì không lý gì họ lại thiếu năng lực trí tuệ để nhận biết sự khác nhau nói trên. Hiện nay ở Việt Nam, có hơn 19 nghìn hội viên Hội Nhà báo, trong đó có gần 17 nghìn nhà báo đã được cấp thẻ hành nghề đang làm việc tại hàng trăm cơ quan báo chí (với rất nhiều loại hình khác nhau) từ trung ương tới địa phương. Ðó là những nhà báo được đào tạo cơ bản, được xã hội công nhận, hoạt động dựa trên các quy định của Luật Báo chí, có hội nghề nghiệp riêng và được pháp luật bảo vệ khi hành nghề. Vì thế khi tác nghiệp, họ không gặp "nguy hiểm" từ xã hội như đánh giá tùy tiện của CPJ, nên không thể đánh đồng số đông các nhà báo với một số cá nhân có hành vi "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" trên internet. Bằng việc lảng tránh vấn đề trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của nhà báo, cố tình gắn cho một số blogger - người viết blog, danh hiệu là "nhà báo tự do", "cây bút tự do", CPJ tưởng rằng sẽ tạo ra sự mập mờ trong dư luận để vu cáo Việt Nam; nhưng rốt cuộc, hành vi này lại làm lộ rõ bản chất thực sự của CPJ là gì. Họ không cần phân biệt ai là nhà báo, ai không phải là nhà báo. Họ chỉ cần số liệu và một vài tên tuổi, lấy cớ để vu khống mà thôi. Vậy thử hỏi họ đang bảo vệ ai, chẳng lẽ họ không có tự trọng để thi thoảng lại xưng xưng bảo vệ những người vi phạm luật pháp?

Như mọi quốc gia khác, Việt Nam có hệ thống luật pháp của mình nhằm duy trì sự ổn định và giữ vững định hướng phát triển xã hội; bảo đảm, bảo vệ quyền con người; giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội,... Hệ thống luật pháp ấy là một trong những yếu tố cơ bản tạo ra cơ hội giúp mọi công dân có điều kiện phát triển toàn diện, phát huy năng lực và tài năng để cống hiến cho đất nước. Nhưng hệ thống luật pháp ấy cũng rất nghiêm khắc với bất cứ cá nhân nào, kể cả nhà báo, đã xem nhẹ trách nhiệm công dân, lợi dụng nghề nghiệp xã hội mà có hành vi vi phạm pháp luật, chống phá Nhà nước, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, xúc phạm danh dự các tổ chức và cá nhân... Ðiều này không có gì khác biệt so với việc thực thi pháp luật ở các quốc gia khác trên thế giới. Nếu CPJ quan tâm tới vai trò của luật pháp ở các quốc gia, họ cần tìm hiểu một cách khách quan để thấy rằng, các nhân vật mà họ đề cập trong bản "phúc trình" đều đã bị cơ quan pháp luật Việt Nam kết án với tư cách là công dân, không phải với tư cách là nhà báo, càng không phải là "nhà báo tự do" theo cách định danh tùy tiện của CPJ.

Chính vì thế, trước khi đưa ra cái gọi là "phúc trình", những người ở CPJ nên tự vấn để trả lời câu hỏi tại sao họ không làm om xòm trước những thông tin như: "Ngày 29-1, các điều tra viên người Anh đã lục soát văn phòng báo The Sun - thuộc quyền sở hữu của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, bắt giữ bốn phóng viên cùng một cảnh sát viên trong một cuộc điều tra mở rộng về việc hối lộ cảnh sát để moi thông tin"; "Theo hãng ABC ngày 28-1, Iran vừa bắt giữ 11 nhà báo bị tình nghi có mối liên hệ với nước ngoài", "Trong số 200 người bị bắt giữ trong cuộc dẹp loạn đầu tiên ở công viên Zuccotti, có các phóng viên của hãng phát thanh quốc gia NPR và báo New York Times... Jared Maslin, phóng viên của New York Times cho biết anh bị bắt khi đang cố gắng di chuyển khỏi khu vực hỗn loạn theo lệnh cảnh sát. Phóng viên bị áp giải lên xe cảnh sát cùng tám người khác, trong đó có hai sinh viên trường New School, một phóng viên ảnh của hãng AFP... Tất cả đều bị còng tay phía sau lưng", "ngày 10-2, cảnh sát Malaysia cho hay họ đã bắt giữ một nhà báo A-rập Xê-út trốn khỏi đất nước sau khi bị buộc tội lăng mạ nhà tiên tri Muhammad của đạo Hồi trên mạng xã hội Twitter", "Nhà chức trách Tunisia vừa thông báo họ đã bắt giữ ba nhà báo vì tội cho đăng tải ảnh "khiêu dâm" giữa một cầu thủ Real Madrid và tình nhân của anh này"; xa hơn nữa là các tin: "Thomas Bjorn Nilsson, 43 tuổi, một nhà báo ở New York và Kjerste Sortland, 41 tuổi của Snorova, Na Uy, đã bị cáo buộc xâm phạm khu vực cấm, nơi tổ chức tiệc cưới của con gái cựu tổng thống Bill Clinton. Hai nhà báo này đã đi quanh khu vực cổng khu biệt thự Aster Court ở Rhinebeck để chụp ảnh. Họ không có ý vào bên trong chụp ảnh, tuy nhiên họ cũng không nhận ra rằng đây là khu vực cấm chụp ảnh. Cảnh sát New York cho biết hai nhà báo có thể bị phạt đến 15 ngày tù và 250 USD tiền mặt. Các hình ảnh hai nhà báo đã chụp cũng sẽ bị tịch thu", và "hãng tin AP đưa tin quân đội Mỹ tại Iraq đã bỏ tù B.Hussein - phóng viên ảnh của hãng - trong suốt 5 tháng, cáo buộc anh này "đe dọa an ninh" nhưng lại không đưa ra các cáo trạng cụ thể hoặc cho phép tiến hành một cuộc điều trần ở nơi công cộng"...!

Tuy nhiên, căn cứ vào đánh giá của CPJ về tình hình báo chí ở Việt Nam trong các năm qua, dường như việc yêu cầu CPJ có thái độ khách quan là điều bất khả. Tổ chức này tự coi mình là "hiệp sĩ" bảo vệ tự do báo chí nhưng việc làm của họ lại cho thấy tự do báo chí chỉ là chiêu bài để họ dựa vào và vu khống quốc gia nào không đồng tình với quan niệm của họ. Như trong bài viết về "phúc trình" của CPJ trên RFA ngày 17-2 có đoạn: "Theo CPJ thì Chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì việc kiểm soát giới truyền thông bằng phương cách tổ chức những cuộc hội họp hàng đầu tuần giữa quan chức Bộ Thông tin và các chủ bút để duyệt qua bài vở, nhất là ngăn chặn các bài chỉ trích lãnh đạo đảng hay chính sách nhà nước". Nói như vậy thì đúng là CPJ không biết ngượng. Bởi, CPJ sẽ trả lời sao đây nếu đối diện với đòi hỏi về chứng cứ? Chẳng lẽ CPJ đã quen đưa ra những lời vu khống đến mức không cần liêm sỉ?

Hệ thống báo chí và truyền thông ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Ðó là kết quả từ sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước, từ sự trưởng thành và nỗ lực của các nhà báo, từ đòi hỏi của thực tế phát triển... Và sự phát triển này không chỉ để đáp ứng quyền tự do ngôn luận, thỏa mãn nhu cầu thông tin, mà còn tạo ra môi trường văn hóa để toàn dân có thể tiếp xúc, tiếp nhận, trau dồi tri thức, cùng hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Dù các tổ chức như CPJ có đánh giá như thế nào thì vẫn không thể phủ nhận được sự thật về sự phát triển lành mạnh của tự do báo chí và tự do ngôn luận ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi mà các thế lực thù địch và một số phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất lợi dụng sự phát triển của hệ thống truyền thông, đặc biệt là internet, để tiến công vào Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, với sự phụ họa và khuyến khích của các tổ chức như CPJ thì nếu một mặt, chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa để báo chí và truyền thông luôn hướng tới mục đích vì con người, cho con người, vì sự ổn định và phát triển; thì mặt khác, chúng ta cũng phải bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật để báo chí và hệ thống truyền thông đóng góp ngày càng tích cực vào quá trình phát triển đất nước. Dù thế nào thì luật pháp của quốc gia phải được tôn trọng. Sự kiện ngày 16-2 vừa qua ông Nick Xenophon - Thượng nghị sĩ độc lập ở Nam Australia, thành viên phái đoàn nghị sĩ Australia, người đã có một số chỉ trích về nhân quyền ở Malaysia, dự kiến tới Malaysia để gặp gỡ giới chức, đại diện các đảng phái đối lập để thảo luận về cuộc bầu cử sắp tới đã bị giữ tại sân bay Kuala Lumpur theo "quy định luật an ninh quốc gia của Malaysia" và bị trục xuất trở lại Australia đã cho thấy một nguyên tắc đang tồn tại một cách hiển nhiên ở mọi quốc gia. Không ai có quyền đứng trên luật pháp, không ai có quyền nhân danh nghề nghiệp để vi phạm luật pháp, cũng không ai có thể tự cho mình quyền can thiệp vào việc thi hành luật pháp ở bất kỳ quốc gia nào.

Theo NDĐT (TH)