Các bác sĩ ở Viện Lão khoa T.Ư khuyên đối với người sa sút trí tuệ thì việc giữ gìn và tập luyện trí nhớ cho người bệnh là rất quan trọng. Vì vậy ngay ở giai đoạn đầu phát hiện bệnh, người cao tuổi có thể lưu ý thực hiện những điều sau:
Đầu tiên là phải có một cuốn sổ ghi chép lại những điều cần nhớ như lịch hẹn khám bệnh, tên con cháu và bạn bè, việc cần hoàn tất trong ngày. Sau đó, sắp xếp công việc hàng ngày, hàng tuần. Lập danh sách các số điện thoại cần để nơi gần điện thoại cố định, kể cả các số cấp cứu để có thể tìm được khi cần. Dán tên của các đồ vật trong nhà; giữ chìa khóa, tiền bạc ở nơi an toàn dễ tìm. Treo thật nhiều ảnh gia đình, bạn bè và có thể dán tên con cháu để nhớ, treo lịch và gạch bỏ ngày đã qua để tính thời gian. Mặt khác có thể nhờ con cháu hoặc bạn thân gọi điện thoại báo trước khi đến thăm để chờ đón.
Ngoài việc bản thân người cao tuổi tự khắc phục sự suy giảm trí nhớ của mình thì việc người thân và gia đình luôn sát cánh với người bệnh là rất quan trọng. Người thân có vai trò giúp người bệnh giữ lại những ký ức còn lại, khuyến khích khả năng ghi nhớ và hỗ trợ các hoạt động sống hàng ngày. Bởi những rối loạn về trí nhớ, ngôn ngữ, hành vi và tâm thần của người bệnh là hậu quả tổn thương tế bào não gây ra. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân thì người thân cần chú ý thực hiện một số điều đó:
Cần quan sát người bệnh, chú ý lắng nghe và theo dõi những hành động, để hiểu được người bệnh đang muốn gì.
Một điều đáng chú ý khi tiếp xúc với người bị sa sút trí tuệ là cần hòa nhập vào thế giới của người bệnh, nói về những chuyện trong quá khứ. Thường xuyên giới thiệu bản thân và mối quan hệ của mình với người bệnh. Tạo cho người bệnh cảm giác được yêu thương và chăm sóc. Thay vì cố tranh cãi với người bệnh những vấn đề họ đã quên, hãy trấn an và làm cho người bệnh quên đi bằng cách tạm thời thay đổi đề tài. Thường xuyên khuyến khích người bệnh làm các việc đơn giản như mặc áo, đánh răng… và đừng quên những lời khen ngợi khi người bệnh thành công. Hơn thế nữa, có thể chia sẻ những băn khoăn lo lắng để họ cảm nhận sự quan trọng của bản thân trong cuộc sống.
Bên cạnh những phương pháp ghi nhớ chăm sóc người bệnh thì việc gìn giữ sức khỏe tốt là điều cần thiết để giúp bộ não chúng ta hoạt động lâu dài. Chẳng hạn, kiểm soát huyết áp, đường huyết và lượng cholesterol trong máu, ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá, uống các thuốc đa sinh tố và thuốc chống oxy hóa. Thường xuyên tập thể dục và giữ tinh thần ổn định thoải mái là những phương pháp rất tốt để phòng ngừa bệnh lý sa sút trí tuệ.
Thành An