Một quyết định sáng suốt và khoa học (31/03/2011)
Cuối năm 1954, ông được đi đào tạo sĩ quan rồi về Cục Xăng dầu với các chức vụ trợ lý thiết kế khí tài, Trưởng ban Khí tài, Chủ nhiệm Tổng kho… Cục trưởng Cục Xăng dầu, nghỉ hưu năm 1990 tại phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội. Ông bồi hồi kể lại cho chúng tôi về những ngày tháng phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Mùa xuân năm 1975, sau khi giải phóng Tây Nguyên, Tổng cục Hậu cần thành lập một cơ quan đại diện tiền phương ở phia Nam. Cục Xăng dầu có các đồng chí Đỗ Quý Mại, Phạm Tùng, Đinh Trọng Tường, Đàm Quang Hợp, Nguyễn Đức Đỉnh, Quách Minh Anh, đồng chí Thành (lái xe) do tôi chỉ huy. Chúng tôi rời Hà Nội vào lúc 13 giờ ngày 19-3-1975 để hợp với đoàn tại Thanh Hóa rồi cùng vào Công Tum…
Ngày 2-4, ta giải phóng Nha Trang (Khánh Hòa), Quân đoàn 3 được lệnh cơ động cấp tốc vào B2, chỉ mang gọn nhẹ hai cơ số đạn dược, vật chất kỹ thuật. Việc bảo đảm cho Quân đoàn sẽ do B2 đảm nhiệm, kể cả xăng dầu. Nhưng qua nắm tình hình thì xăng ô tô ở B2 tạm đủ, đường ống bơm xăng của ta đã vào tới Bù Gia Mập. Riêng dầu diesel cho xe tăng, thiết giáp thì thiếu vì đường ống mới lắp đặt đến giữa chừng tuyến đường 559; chúng tôi đề nghị Cục Hậu cần Quân đoàn chở hết số dầu hiện có của mình bằng 14 xe đi cùng mới tạm yên tâm.
Xuống Khánh Hòa, tại Cam Ranh, chúng tôi tiếp nhận một kho có 2 bể chứa loại 400m3 thì đã bị bắn cháy, chỉ còn một số xe bồn loại 19m3. Ở Nha Trang chúng tôi tiếp nhận 3 kho (một của quân đội Sài Gòn, một của hãng Caltex và một của Công ty Xăng dầu Cầu Đá). Riêng kho xăng sân bay Nha Trang thì bộ đội không quân ta quản lý. Tình hình chung dầu diesel tạm ổn, dầu JP4 dùng cho máy bay phản lực thì nhiều, mà xăng để chạy ô tô lại quá ít không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trong khi đó Nha Trang nằm trên quốc lộ số 1, tuyến vận tải chính với lưu lượng hàng ngàn lượt xe qua lại suốt ngày đêm. Lúc này Đại tá Phan Tử Quang, Cục trưởng Cục Xăng dầu và kỹ sư Cung Quang Mạnh, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật xăng dầu từ Hà Nội vừa vào; chúng tôi bàn bạc rồi quyết định trộn dầu JP4 với xăng ô tô để tạo ra một khối lượng nhiên liệu mới, đáp ứng yêu cầu vận tải trước mắt, quyết tâm không để thiếu xăng dầu mà ảnh hưởng đến thắng lợi của các trận đánh. Trước đây chúng tôi đã trộn dầu TC-1 của Liên Xô với xăng ô tô khi cần thiết, nay thấy tình năng kỹ thuật của dầu JP4 cũng tương đương với dầu TC-1 nên giao cho hai kỹ sư Cung Quang Mạnh và Đàm Quang Hợp tính toán tỷ lệ tối ưu. Sau khi biết được số lượng xăng ô tô có trong bể chứa, hai kỹ sư cho bơm dầu JP4 vào, rồi lại dùng máy bơm bơm tuần hoàn trong bể chứa cho hai nhiên liệu trộn đều nhau, lấy mẫu hóa nghiệm và cấp cho ô tô chạy thử. Kết quả, chúng tôi đã tạo ra được 1.797 tấn nhiên liệu dùng cho ô tô. Số lượng này, chúng tôi chia làm hai phần, một phần trưng dụng 20 ô tô của dân, chạy quay vòng liên tục chở lên Buôn Ma Thuột để chuyển vào B2 và đồng bằng sông Cửu Long, còn lại thì cung cấp tại chỗ cho Quân khu 5 và các loại xe quân sự đi qua. Bảo đảm cấp đầy, cấp đủ, cấp dự trữ cho đường dài. Trộn dầu JP4 với xăng là một quyết định sáng suốt, có cơ sở khoa học, đáp ứng kịp thời cho nhiệm vụ vận tải của cả năm cánh quân trong chiến dịch cuối cùng.
Trưa ngày 30-4-1975, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi được tin Sài Gòn đã giải phóng, mừng mà ai cũng rơi nước mắt. Đến chiều tối thì có điện của cấp trên: “Cử một cán bộ ở lại Nha Trang, tất cả cơ quan vào Sài Gòn để tiếp nhận nhiên liệu mới”.
Tô Kiều Thẩm (ghi)