“Một phép thử” với Thủ đô Hà Nội
Bạn đứng ở vị trí nào bên Hồ Gươm cũng cảm nhận được điều tôi vừa nói. Trước mặt là mặt hồ nước xanh như pha mực, xa kia là Tháp Bút “Viết thơ lên trời cao” (thơ Trần Đăng Khoa). Xung quanh hồ gần như bốn mùa dệt nên một thảm màu xanh, hoa rực rỡ sắc màu. Tôi đã lặng đi trước “lẵng hoa” ấy, không tìm được từ nào lột tả hết sự huy hoàng. Có điều, xung quanh Hồ Gươm luôn náo động, ầm ĩ tiếng động cơ xe cộ. Người, xe… nhất là vào giờ cao điểm đông người qua sức chịu đựng, phá vỡ cảnh thơ mộng nơi đây. Nó ảnh hưởng tới trật tự chung, làm giảm đi bao vẻ đẹp của hồ. Kinh hãi hơn, tai nạn giao thông đã xảy ra. Không ai ngờ, vào một chiều cuối tháng 8-2016, một xe buýt lao như điên vào đám đông, đâm vỡ chiếc xe con, cán chết cô gái đi xe máy đang đứng chờ đèn đỏ ở phố Hàng Khay. Nếu khu vực đi bộ quanh Hồ Gươm được thiết lập sớm hơn trước đó “một ngày” thì cô gái đó đã không chết oan uổng! Sự quá tải, xô bồ giao thông ven hồ đã dẫn tới thảm kịch ngoài sức tưởng tượng ở nơi bình yên !
Giờ thì thành phố đã làm được một việc-khu biệt một không gian đi bộ quanh Hồ Gươm-mà theo dư luận lẽ ra phải làm việc này từ lâu. Chậm còn hơn không.
Tôi đã bao lần đi bộ ở đây, nhưng lần này cảm giác thật tuyệt vời! Vẫn hè phố ấy, vẫn đường phố ấy, vẫn nhà cửa, hàng cây thân quen mà nay cảm thấy thoải mái, văn minh hơn. Hồ Gươm và phố bên hồ yên tĩnh hơn, lung linh hơn, cho tôi một cái gì đó lắng đọng hơn. Tôi vừa khám phá ra một Hồ Gươm mới, đẹp hơn Hồ Gươm hôm qua nhờ có khu vực đi bộ quanh hồ. Tôi thử làm một cái “test” nhỏ xem cảm giác của bạn đồng hành thế nào, có giống mình không. Tôi hỏi một bác bảo vệ trên phố Hàng Khay về khu vực đi bộ. Ông hồ hởi: “Tốt quá! Lúc đầu có một số hộ dân nằm trong khu đi bộ phải dắt xe máy vào nhà thấy phiền phức, một vài hộ kinh doanh bức xúc vì giảm khách mua, nhưng ta cũng phải vì cái chung chứ”. Đến chân Tháp Bút trước cửa đền Ngọc Sơn, gặp một ông Tây, với vốn tiếng Anh ít ỏi, tôi hỏi ông về phố đi bộ mới. Ông bảo rất hay, làm ông phấn khích hơn khi vãn cảnh. Ông cho biết ông từ Úc, mới đến Hà Nội du lịch. Bên tôi, một cụ ông người gầy, nhà ở phố Hàng Khay. Cụ bảo rất vui khi thành phố “vạch mốc” khu phố đi bộ quanh Hồ Gươm. “Ta cũng phải hội nhập vào thế giới chứ. Thủ đô các nước văn minh đều có phố đi bộ. Có khu vực đi bộ quanh hồ là một cách Hà Nội hội nhập với cộng đồng đô thị thế giới”. Tôi đã từng thả bộ trên một phố đi bộ, ngắm Praha (CH Czech), xem đồng hồ cổ Con gà trên tường nhà cổ và bao cảnh đẹp mê hồn khác, ghi nhận lời ông già vừa nói.
Sau ngày có không gian đi bộ mới, tôi vẫn đi xe máy, đi bộ vào các ngày khác, những ngày mà không gian đi bộ quanh Hồ Gươm bị “dỡ bỏ”. Lại ầm ầm xe cộ lao vun vút “quây” kín Hồ Gươm. Sự yên tĩnh, nên thơ bị phá vỡ, biến mất. Thế là tôi lại mong đến tối thứ sáu để khu phố đi bộ được lập lại.
Đáng tiếc, thói quen đi lại tùy tiện vẫn chưa hết khi phố đi bộ đã hình thành. Cảnh xe máy lao lên hè phố trong khu vực đi bộ, cả ô tô con cũng vào khu này như thế. Bà con sống trong khu vực này còn có ý kiến trái chiều về việc dành riêng khu vực đi bộ quanh Hồ Gươm. Phải dắt xe máy vào nhà, cuộc sống bị ảnh hưởng, kinh doanh, sinh hoạt bị đảo lộn… Và những “xáo trộn” khác kéo theo khu phố đi bộ quanh hồ. Từ ngày 1-9 đến hết năm 2016, việc quy hoạch khu vực đi bộ mang tính thử nghiệm, chưa phải là lâu dài. Sau đó, quyết định cuối cùng của thành phố sẽ được đưa ra.
Tôi nghĩ, thiết lập khu phố đi bộ quanh Hồ Gươm có thể xem như một một “phép thử” đối với Hà Nội, trong công tác quản lý đô thị. Thành công hay thất bại phụ thuộc vào chính quyền và người dân. Cần có tầm nhìn xa rộng trước một thay đổi lớn như vậy. Cái mới ra đời bao giờ cũng khó khăn, nhưng nó sẽ tạo đà phát triển cho Thủ đô, nhất là về du lịch.
Tháng 9-2016
Nguyễn Minh Nguyên