Một nhà văn dành trọn đời mình cho đề tài người lính (23/06/2010)
Có thể nói, trong lịch sử Văn học Việt Nam, ít có hiện tượng bạn đọc tỏ lòng yêu mến, thán phục và xúc động thật sự trước lòng nhân ái cao cả của người cầm bút đối với số phận những con người và dân tộc sau những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại... như thế.
Minh Chuyên là một chiến sĩ quân giải phóng, đã từng trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Rồi anh làm phóng viên mặt trận. Chiến tranh kết thúc, anh trở về làm báo Thái Bình, sau lên làm biên tập viên chính của chương trình phim tài liệu Đài truyền hình Việt Nam, trưởng ban nghiên cứu khoa học và phát triển điện ảnh của UNESCO tại Việt Nam. Hơn ba chục năm qua, Minh Chuyên đã viết tới hàng vạn trang sách với 12 cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, hàng chục kịch bản phim, kịch bản sân khấu, gần trăm phóng sự, bút ký về đề tài người lính, những thương binh, liệt sĩ và xã hội Việt Nam sau chiến tranh. Chuyện về các nhân vật được đề cập đến làm nhiều người quan tâm. Đó là hình ảnh chiến sĩ chết sau cơn sốt rét ác tính, xác treo trên võng dù, rồi thành một bộ xương trắng mòn mỏi đung đưa giữa hai thân cây trong rừng đại ngàn hơn chục năm trời! Rồi những người sống sót trở về không giấy tờ, mất hết trí nhớ, thân mọc đầy nhọt hạch lở loét, bị người đời hiểu lầm và lẩn tránh. Và những “ Vết thương không mảnh đạn” do chất độc da cam/đi-ô-xin ngấm vào trong máu, phát ra những chứng bệnh kỳ lạ. Đến khi lấy vợ, sinh ra những đưa con mặt mũi dị dạng, thân hình đầy lông lá. Bao người mẹ đã ngất đi trong căn nhà dột nát khi nhìn thấy đứa con của mình...
Rồi từ đó, người ta nghĩ đến số phận hàng trăm, hàng nghìn người còn đang trực tiếp và gián tiếp gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất của cuộc chiến tranh tàn khốc mà bom đạn và chất độc của Mỹ để lại cho dân tộc này. Bắt đầu từ tác phẩm “Thủ tục để làm người còn sống”, “Người không cô đơn”, gây tiếng vang. Chính phủ đã thành lập “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, đến nay đã lên tới 750 tỷ đồng. Cũng từ đó, cái “danh thật” của một cây bút có tâm được bạn đọc trân trọng, yêu mến. Cũng thời đó, trong một tuần đã có 9 tờ báo giới thiệu chung quanh việc anh được trao hai giải thưởng văn học trong cuộc thi bút ký của tuần báo Văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam cho “Nước mắt làng” và “Vào chùa gặp lại”. Rồi các bút ký liên tiếp gây xúc động sâu sắc trong dư luận: “Trở lại khiếp người”, “Chiến tranh di truyền”, “Má giáo”, “Vết thương không mảnh đạn”, “Hoa nơi cửa thiền”... Minh Chuyên đề cập trong bút ký hầu hết là số phận của những người đã cống hiến tận cùng tuổi xuân, tình yêu, tính mạng của mình cho Tổ quốc và tấm lòng biết ơn, hành động cưu mang đền ơn trả nghĩa của mọi tầng lớp nhân dân. Tác phẩm “Liệt nữ” được in và phát hành ở nhiều nước trên thế giới. Hai tập bút ký “Hậu chiến Việt Nam” và “Những linh hồn da cam”, với hơn 1.000 trang sách đã nói hộ tiếng nói của những người đã chết và những người đang sống về nỗi bức xúc cần làm ngay về số phận những con người- trong chiến tranh đã lùi xa 40 năm nay. Cũng đến nay, Minh Chuyên đã nhận 35 giải thưởng báo chí, văn học nghệ thuật, điện tử - trong đó có 2 giải quốc tế; đáng chú ý là phim “Cha con người lính” - giải Cúp vàng do anh biên kịch và đạo diễn, diễn tại Bình Nhưỡng - 2006. Đầu năm 2009, Minh Chuyên được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba do thành tích hoạt động văn học - nghệ thuật.
Cần phải nói thêm rằng: Minh Chuyên đặc biệt thành công ở thể loại bút ký văn học. Các nhân vật của anh có thật nhưng lại mang tính khái quát cao, tránh được lối ca ngợi kể lể riêng tư vụn vặt dài dòng. Nhà văn giữ được tính trung thực cốt lõi của người và việc. Văn Minh Chuyên bình dị mà sâu sắc, điềm đạm kể và tả, mộc mạc như chính bản thân cuộc sống. Tác giả không lấy tiểu xảo để cuốn hút người đọc, không dùng từ ngữ, triết luận khoa trương thay sự việc - đây cũng là một lối “kiệm từ” trong văn chương đương đại.
Có người bảo Minh Chuyên thành công ở đề tài. Nói như thế là không thỏa đáng. Bản thân đề tài chưa đủ điều kiện khẳng định tài năng của nhà văn. Vấn đề là anh đã khám phá, sáng tạo và dự báo. Anh đã dồn hết tâm lực, lòng yêu mến thiết tha, sự lo toan da diết đến số phận các nhân vật. Với cách riêng của mình, Minh Chuyên đã làm người đọc rơi nước mắt về những chuyện mất mát của người lính, sự tàn khốc của chiến tranh như thế nào - và “họ” hiểu được phải giải quyết chuyện “hậu chiến” bức thiết như thế nào. Câu hỏi tưởng như giản đơn nhưng sự trả lời của những thế hệ đang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay thật không đơn giản!
... Để đến được những thành công như hôm nay, Minh Chuyên đã phải lăn lộn nơi rừng thiêng nước độc, những vùng chiến trận ác liệt năm xưa, đã từng vất vưởng nơi bến xe, bến tàu, đã vào từng ngõ hẻm hẻo lánh vùng ven biển, các căn nhà tù mù, dột nát... để nghe, nhìn, hỏi, ghi chép. Tác giả đã từng cầm hàng tập đơn, hàng trăm lần đến các cơ quan công sở, uỷ ban các cấp, đã từng bị những hạng người quan liêu - những người đang hưởng lộc của cuộc chiến tranh chống Mỹ, kỳ thị, phớt lờ, thậm chí còn đòi “treo bút” tác giả. Nhưng trời và người không phụ người làm việc nghĩa. Chất nhân văn cùng cái tâm trong sáng của người cầm bút đã trờ thành sức mạnh để giúp đỡ anh.
Ngày thường, Minh Chuyên sống giản dị, đạm bạc, nói năng nhỏ nhẹ, khiêm tốn như anh chưa hề viết được cái gì. Chưa hề thấy anh hằn học, đại ngôn, khinh bạc bao giờ. Chỉ cười... và viết. Anh dành thời gian tối ưu cho việc đi thực tế và viết. Không một mẩu thời gian phí phạm vào chè chén, rong chơi, cãi vã. Đêm, 12 giờ, cây bút mới nghỉ. Hiểu ở một góc độ nào đấy, tài năng còn là sự làm việc hết mình, lòng yêu mến cuộc sống và sự sáng tạo hết mình.
Ai đã về vùng nông thôn hẻo lánh, nhìn những quyển sách của Minh Chuyên được mọi người chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát, mới thấy hết sức sống của cây bút “Hiểu biết, khám phá, sáng tạo, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân” (Phạm Văn Đồng).
Xuân Đam