Một ngày đau thương và chuyện lính Mỹ “chém vè”
Ngày 20-10-1967, tôi xếp bút nghiên, lên đường chiến đấu, vào đơn vị đặc công thị xã Bến Tre. Sau một thời gian tập luyện và thực hành một đôi trận, tôi được tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân - 1968 (cả ba cao điểm của chiến dịch), tiến công vào nội đô thị xã Bến Tre và sau đó bộ đội ta lùi ra bám trụ các xã vùng ven, tiếp tục chiến đấu… Thời điểm này, địch phản kích quyết liệt; quân Mỹ tăng cường binh - hỏa lực chà đi xát lại vùng trọng điểm ven đô, hòng đẩy lực lượng ta ra xa thành phố, thị xã.
Ngày mùng 7 Tết Mậu Thân với tôi là một ngày khủng khiếp! Các chiến sĩ của Trung đội phải quần nhau với lính Sư đoàn 9 Mỹ suốt một ngày tơi tả tại xã Hữu Định; cũng may chỉ có vài người bị thương… Đến chiều, nhận lệnh của Ban Chỉ huy, tôi cùng 1 trung đội thiếu (khoảng 17 chiến sĩ) tập kích toán quân địch vừa tái chiếm cầu Cá Lóc.
Các trận chiến nối tiếp nhau ngày qua ngày là chuyện bình thường trong một chiến dịch. Có điều lúc này anh em trong trung đội ai nấy đều đói muốn rã ruột. Từ sáng tới chiều, mỗi ngày chỉ có một vài khoanh bánh tét thiu; nhưng cũng phải chấp hành mệnh lệnh… Trời vừa chập tối, trung đội tôi vừa tiếp cận khu vực vườn Ươm (phường 5, T.P Bến Tre hiện nay) cách cầu Cá Lóc khoảng 1km. Cảnh vật ở đây hoang tàn; mùi xác heo, gà, vịt chết hôi thối cả một vùng. Tôi lệnh cho trung đội dừng lại, rồi đi vào một ngôi nhà bị bom, pháo địch vừa đánh sập một góc. Mùi thuốc bom, đạn pháo còn khét lẹt; bùn đất văng tung tóe…
- Có gạo rồi anh Lâm ơi - chiến sĩ Tâm báo cáo.
- Cẩn thận, vo gạo, nấu cơm nhanh lên, kẻo không kịp thời gian. Nhớ che chắn, không để lọt ánh sáng ra ngoài, địch phát hiện là nguy - tôi dặn dò.
Chưa hết mừng, đang ngồi trên cái ghế đẩu bằng cây bên cạnh chiếc bàn tròn xiêu vẹo đặt giữa nhà, thòng chân phải gác lên chiếc chiếu, bỗng dưng cảm thấy mềm mềm… lành lạnh, như đặt chân lên cái lò xo. Tôi giật chân lên và hô hoán; anh em xô lại, rọi đèn pin rồi mở chiếc chiếu ra… Tất cả như muốn tá hỏa; trong chiếu là một bé gái chừng 12 tuổi, toàn thân bê bết máu, đã chết từ hồi nào! Tôi nói với anh em: Chắc trận đánh bom phản kích của lính Mỹ hồi chiều đã giết hại bé. Gia đình buộc phải bỏ bé lại, tạm tránh bom đạn, không kịp chôn…
Nhìn cảnh tượng quá đau lòng! Cả trung đội không ai còn nghĩ tới đói khát nữa; bỏ hết cơm gạo, tìm thêm chiếu bó bé lại tươm tất rồi để vào một góc nhà, dự tính sau khi tiêu diệt mục tiêu cầu Cá Lóc, chúng tôi sẽ quay lại chôn cất bé chu đáo. Nhưng thật trớ trêu, khi tập kích xong mục tiêu cầu Cá Lóc, chúng tôi trở về thì căn nhà có xác bé gái bị trúng một loạt pháo từ căn cứ Đồng Tâm, đã bị cháy, chỉ còn một đống tro. Trong khi đó, trung đội phải khiêng 3 chiến sĩ bị thương trong trận vừa rồi; trời khuya, tối đen như mực, nên chúng tôi không thể ở lại bới tìm xác cháu bé; đành phải cơ động nhanh. Chân bước đi mà lòng nặng trĩu!...
Trong chiến tranh ngoài chuyện chết chóc, hy sinh buồn đau, cũng có những chuyện hài hước, kỳ lạ. Đơn cử đó là chuyện lính Mỹ cũng “chém vè”! Quân viễn chinh Mỹ đi xâm lược nước người, được trang bị vũ khí hiện đại từ đầu đến chân. Sang Việt Nam, chúng luôn miệng hô hào tìm “Việt cộng” để tiêu diệt; nhưng khi đụng Việt cộng lại trốn chui trốn lủi, ít khi dám nổ súng chiến đấu. Bộ đội ta gọi vui là “Mỹ chém vè”. Chuyện có thật, bởi tôi là người trong cuộc, trực tiếp chỉ huy trung đội tìm Mỹ để diệt hôm đó.
Tôi không nhớ ngày, chỉ nhớ khoảng đầu tháng 10-1968, một hôm trời chập choạng tối, một đoàn trực thăng 6 chiếc với sự yểm trợ của trực thăng chiến đấu (cá lẹp) từ hướng căn cứ Đồng Tâm hùng hổ đổ quân xuống xã Thành Triệu giáp với xã Tường Đa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, đánh thẳng vào địa hình, hòng tạo thế bất ngờ để diệt lực lượng ta.
Gần 1 giờ đánh phá dữ dội, 6 chiếc trực thăng trở lại rước quân, nhưng chúng không rước hết, mà bí mật để lại 1 trung đội Mỹ, với ý đồ phục kích diệt lực lượng ta trở về. Chiến thuật “nhả răng bừa” của chúng đã quá quen thuộc đối với bộ đội ta.
Khi tiếng súng dứt hẳn, trời đã bắt đầu tối, lực lượng trinh sát của ta bám sát, theo dõi từng bước đi của lính Mỹ. Cuối cùng chúng tôi phát hiện một bộ phận quân Mỹ co cụm tại một khu vườn hoang gần trục lộ chính, thuộc xã Tường Đa. Bộ đội đặc công lên phương án tiêu diệt bọn Mỹ ở đây. Hai mũi quân ta tiến sâu vào đội hình đóng quân của địch, nhưng không thấy tên Mỹ nào lộ diện; bí mật lần tìm mãi cũng không thấy. Trong tình thế đó, một cán bộ tiểu đội đề xuất với tôi là mình cứ la to: “Mỹ ơi, Mỹ ơi… Mỹ đâu rồi?”… La như vậy để cho chúng nổ súng trước, ta sẽ phát hiện mục tiêu. Nghe có lý, tôi cho anh em nấp vào vị trí an toàn và la to, nhưng la mấy lần mà Mỹ vẫn “án binh bất động”. Cuối cùng chúng tôi phải rút quân.
Với tinh thần cảnh giác cao, sáng hôm sau, anh em trinh sát leo lên cây cao để quan sát đã phát hiện cũng ở khu vườn hoang tối qua chúng tôi tìm, quân Mỹ từ dưới các mương vườn lố nhố leo lên bờ mương. Tất cả đều vỡ lẽ, bọn Mỹ đã dùng phao cao su, còn gọi là “giường phao nổi” cá nhân, trải dưới mương ô rô rậm rạp để ấn nấp, mai phục chúng tôi… Té ra, chiến tranh Việt Nam đã dạy cho quân viễn chính Mỹ biết chiến thuật “chém vè”!
Lê Hồng Lâm