Một ngày của tháng 7 như sự nhắc nhở chúng ta (20/07/2011)

Nếu tính đơn thuần theo số học mỗi năm có 365 ngày thì 64 năm qua đã có 23.360 ngày và nếu quy ra tháng thì con số là 778 tháng. Những con số nói trên ghi nhận thời gian mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hướng về Ngày thương binh liệt sĩ, nhưng số ngày tháng có lớn đến bao nhiêu cũng không khỏa lấp được sự hy sinh và mất mát của hàng triệu gia đình và những con người đã không tiếc máu xương hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đảng và Nhà nước đã có quyết định lấy ngày 27-7 là ngày cả nước quan tâm đến các gia đình liệt sĩ và những người bị thương trong chiến trận. Ngày 27-7 hàng năm là một ngày có ý nghĩa rất lớn về mặt nhân văn, ngày toàn xã hội có dịp thể hiện nghĩa cử và những tình cảm cao đẹp của mình với những người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

CCB Việt Nam, mà đặc biệt với hội viên của Hội ngày này thật ý nghĩa và cũng thật thiêng liêng, vì đây là dịp cùng nhau ôn lại chiến trường xưa, là dịp để nhớ lại ai còn, ai mất, cuộc sống gia đình hiện tại ra sao, động viên nhau ráng khỏe để vượt qua thương tật, vượt qua ám ảnh của chiến tranh.

Theo số liệu thống kê chưa thật đầy đủ, chúng ta hiện có 1.060.000 thương, bệnh binh được quản lý và hơn 1.146.250 liệt sĩ trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc. Tổng số liệt sĩ mà chúng ta quy tập được mới đạt 67%, trong đó các gia đình thân nhân tự tìm kiếm và cất bốc là 12%, số liệt sĩ còn lại là rất lớn mà chúng ta cần phải quan tâm tìm kiếm và xác định danh tính cho họ.

Từ sau chiến tranh, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương và ban hành nhiều chính sách đối với những người có công với nước, đối với các liệt sĩ và gia đình các liệt sĩ, với các thương, bệnh binh. Các chính sách đó vừa là sự tỏ lòng tri ân của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với thương binh, các gia đình liệt sĩ và cũng là truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc chúng ta, đồng thời cũng là thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Máu đào của các chiến sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do. Cho nên đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”.

Hàng ngày trên khắp mọi miền đất nước, chúng ta bắt gặp những con người có những việc làm vô cùng cao đẹp, đó là sự đóng góp thời gian, công sức, tiền bạc để kiếm tìm các liệt sĩ đã hy sinh chưa được quy tập hoặc được quy tập nhưng vẫn chưa xác minh được danh tính. Chúng ta rất trân trọng và cảm động trước những việc làm của các CCB đã lăn lộn ngày, đêm ở nơi chiến trường xưa để tìm đồng chí, đồng đội của mình, một việc làm hoàn toàn tự giác, xuất phát từ sự mách bảo của trái tim. Cả nước có hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, song còn nhiều đồng chí, đồng đội của chúng ta vẫn chưa được tìm về, là niềm trăn trở lớn của CCB, của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Chúng ta rất trân trọng trước nhiều tấm gương của các CCB là thương, bệnh binh mang trên mình đầy thương tật và những mầm bệnh vô cùng quái ác là nạn nhân của chất độc da cam/đi-ô-xin. Nhưng hàng ngày, bằng ý chí và nghị lực họ đã vượt qua mọi khó khăn để làm việc, lao động xây dựng hạnh phúc gia đình và đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước. Nhiều CCB khi trở về cuộc sống đời thường đã bằng công sức, trí tuệ của mình tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn cho xã hội, song không quên đóng góp vào việc chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ đồng đội và gia đình đồng đội còn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Chúng ta trân trọng và biết ơn hàng triệu gia đình, hàng triệu người mẹ và người bố đã hiến dâng những người con yêu quý của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc mà chẳng hề có tính toán thiệt hơn.

Chiến tranh đã qua đi, nỗi ám ảnh và những hậu quả của chiến tranh để lại cũng dần dần dịu đi theo thời gian. Nhưng sự mất mát của những cá nhân và của mỗi gia đình trong cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra sẽ còn làm day dứt nhiều thế hệ người Việt Nam. CCB - những người đã chiến đấu góp phần vào vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Rất tự hào, phấn khởi về công cuộc đổi mới xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt những thành tựu quan trọng, cuộc sống của nhân dân nói chung và CCB nói riêng ngày càng được cải thiện, đồng thời mong ước làm sao đất nước giữ được hòa bình, ổn định lâu dài, kinh tế phát triển bền vững. Mong Đảng, Nhà nước có nhiều hơn các chủ trương, chính sách, chế độ góp phần làm dịu nỗi đau chiến tranh để lại, cải thiện tốt hơn nữa đời sống vật chất tinh thần của những người và những gia đình có công với nước. Làm được như vậy, ngày 27-7 chắc chắn sẽ có ý nghĩa nhiều hơn.

Hà Nội, ngày 21-6- 2011

Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Đống Đa phối hợp với Hội CCB Việt Nam dự định trao 60 suất học bổng cho con em CCB vượt khó học giỏi. Dự kiến mỗi suất là 3 triệu đồng, trao trong dịp kỷ niệm 64 năm Ngày thương binh, liệt sĩ.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam