“Một mình một chợ”

Quan điểm này của Mỹ khiến giới quan sát lo ngại sẽ đưa thế giới trở lại thời những năm 1930 của thế kỷ trước, thời kỳ khởi đầu của chiến tranh và xung đột.

Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, chính quyền của ông Trump đã có những thành công nhất định trên nhiều lĩnh vực như tạo việc làm, giảm thâm hụt thương mại và khiến nước Mỹ hùng mạnh hơn như ông đã phát biểu. Mừng cho nước Mỹ. Ấy nhưng một nước Mỹ mạnh hơn cũng cần có trách nhiệm hơn với những vấn đề mang tính toàn cầu mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự giải quyết được. Chính quyền của ông Trump chẳng những không làm được việc này mà còn có những bước đi khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu ngay khi ông Trump lên nắm quyền; rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); rút và đòi đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran; đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel... và nhiều vấn đề khác. Có thể hiểu, chính quyền của ông Trump xóa bỏ những gì các chính quyền tiền nhiệm đã cam kết với các quốc gia khác và hướng vào các thỏa thuận song phương thay vì đa phương trong các mối quan hệ.

Một nước Mỹ hùng mạnh hơn trong một thế giới bất an hơn bởi chính những hành động của Mỹ là một nguy cơ lớn đe dọa an ninh toàn cầu. Điều này đã được lịch sử thế giới chứng minh. Trước khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, nước Mỹ phát triển mạnh mẽ theo quan điểm cô lập với thế giới một phần bởi Mỹ có nền kinh tế vững mạnh, diện tích rộng và vị trí địa chính trị có lợi cho quốc phòng, an ninh. Khi chiến tranh bùng nổ, Mỹ được hưởng lợi khi chẳng những không bị tấn công mà còn kiếm lời từ buôn bán vũ khí và các mặt hàng khan hiếm khác. Mỹ chỉ thực sự “thức tỉnh” khi bị Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng và buộc phải tham chiến để bảo vệ lợi ích của mình.

Đó mới chỉ là sự bất an bề mặt. Trên thực tế, việc một nước mạnh như Mỹ khoanh tay đứng nhìn hay phớt lờ những vấn đề mang tính toàn cầu đã tạo khoảng trống cho các mâu thuẫn và xung đột. Tới nay, lấy cớ đòi cải cách các cơ quan của Liên hợp quốc và khi không được như ý Mỹ đã rút khỏi các cơ quan này như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, UNESCO hay hủy bỏ cam kết đóng góp tài chính cho các hoạt động của Liên hợp quốc. Ông Trump tuyên bố không ủng hộ toàn cầu hóa mà theo đường lối chủ nghĩa dân tộc.

Hiểu nôm na, trong mắt Mỹ chỉ có hai đối tượng: theo Mỹ hoặc không theo Mỹ.

Cách chơi theo kiểu đã mạnh lại buộc các nước thỏa hiệp song phương cho thấy Mỹ nắm phần thắng trong thương lượng, nhất là về kinh tế. Thế nhưng kinh tế không phải là vấn đề duy nhất thế giới đang đối mặt mà còn một loạt các vấn đề mang tính toàn cầu cần giải quyết. Nếu Mỹ cứ duy trì sự tách biệt nguy hiểm này thì nguy cơ thế giới phải đối mặt với một thời kỳ của xung đột và chiến tranh ngày càng hiện hữu.

Nguyễn Ngọc