Một Mig đối đầu với 36 máy bay Mỹ
Thượng úy - Liệt sĩ phi công Hà Văn Chúc.
(Trận không chiến chiều ngày 3-1-1968)
Đầu năm 1968, có thời điểm lực lượng máy bay của Trung đoàn không quân tiêm kích 921 đủ điều kiện tham gia trực chiến chỉ còn 2 chiếc MiG.21. Gay cấn nhất là sau trận không chiến vào buổi sáng ngày 3-1-1968, do 1 chiếc khi hạ cánh đã lao ra ngoài đường băng, nên lực lượng trực chiến của Trung đoàn chỉ còn 1 chiếc.
Mặc dù lực lượng trực chiến quá mỏng, nhưng khi Mỹ tung một lượng lớn máy bay vào đánh phá Hà Nội, với tinh thần “Còn một người, một máy bay vẫn chiến đấu”, Chỉ huy Trung đoàn không quân 921 vẫn quyết định tung chiếc MiG.21 còn lại ra trực chiến.
Vào tầm 3 giờ chiều ngày 3-1-1968, đội hình rất lớn, gồm 36 chiếc máy bay F-105 và F-4 của không quân Mỹ bay từ hướng Yên Châu, Sơn La vào đánh phá Hà Nội. Chỉ huy Trung đoàn 921 quyết định cho chiếc MiG cuối cùng còn lại xuất kích sớm hơn dự định. Thượng úy phi công Hà Văn Chúc là người được chọn để “tử chiến” với một lực lượng quá lớn của đối phương. Nhận lệnh xuất kích và được dẫn đường, Hà Văn Chúc cho máy bay bay về hướng Sơn La. Đến vùng trời Yên Châu, Hà Văn Chúc phát hiện ba tốp máy bay địch bay theo đội hình hàng dọc, mỗi tốp cách nhau khoảng 1.500m; tốp F-4 đi chặn hậu (khóa đuôi). Số ít máy bay F-4D yểm hộ lực lượng chủ yếu là máy bay cường kích F-105 có nhiệm vụ đánh phá mục tiêu.
Khi phi công Hà Văn Chúc báo cáo xin vào công kích tốp F-105 thì tốp F-4 bay yểm hộ phía sau cũng phát hiện ra máy bay của anh và lập tức bám sau. Theo dõi trực tiếp trận đánh, trong tình thế đó, Sở chỉ huy Quân chủng đã chỉ huy vượt cấp (không qua Trung đoàn 921) lệnh cho Hà Văn Chúc tiếp tục lao thẳng vào phía đội hình F-105 đang bay phía trước. Do MiG.21 của Hà Văn Chúc cất cánh sớm hơn dự định, đã tích lũy được tốc độ lớn hơn tốc độ của tốp F-105, nên anh nhanh chóng vượt qua hai tốp sau, bám chặt tốp đầu và nhằm chiếc số 1 để xạ kích. Đến cự ly 1.000m, anh ấn nút phóng tên lửa. Chiếc F-105 dẫn đầu đội hình đã “lĩnh” trọn một quả tên lửa không đối không R-35, bốc cháy, rơi tại chỗ. Lập tức số F-105 còn lại không tiếp cận mục tiêu đánh phá đã định trước, mà quay lại tập trung đối phó với MiG.
Phối hợp với không quân tiêm kích, các trận địa tên lửa của ta trong khu vực đã bắn cháy thêm 2 chiếc F-105.
Chiếc F-105 bị phi công Hà Văn Chúc bắn rơi do Đại tá James Ellis Bean, thuộc Phi đoàn 469, Không đoàn 388 Korat (Thái Lan) điều khiển. Đại tá J.E. Bean là Không đoàn phó phụ trách tác chiến của Không đoàn 388. Khi máy bay bị trúng tên lửa, Đại tá J.E. Bean đã kịp nhảy dù và bị bắt.
Đội hình F-105 của địch gần như tan rã, phi công Hà Văn Chúc bật tăng lực toàn phần, kéo lên độ cao 10.000m, rồi nhanh chóng thoát ly về sân bay Nội Bài hạ cánh an toàn.
Trận không chiến chiều ngày 3-1-1968 của Hà Văn Chúc có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Trong điều kiện cực kỳ khó khăn, tương quan lực lượng hai bên vô cùng chênh lệch, 1 MiG đối đầu với 36 máy bay của đối phương, nhưng Hà Văn Chúc đã được xuất kích sớm, tích lũy tốc độ, chiếm độ cao và vị trí chính xác để bắn rơi chiếc đi đầu (chỉ huy) làm tan rã đội hình địch, cản phá thành công đợt đánh phá quy mô lớn của không quân Mỹ vào Hà Nội.
Thượng úy phi công tiêm kích Hà Văn Chúc sinh năm 1938; quê Hải Lưu, Lập Thạch, Vĩnh Phúc; học bay MiG-21 tại Liên Xô đoàn thứ hai, về nước năm 1966. 11 ngày sau trận đánh ngày 3-1, ngày 14-1-1968, Hà Văn Chúc tiếp tục tham gia trận không chiến trên bầu trời Thanh Sơn, Phú Thọ. Sau khi bắn hạ một chiếc F-105, máy bay của Hà Văn Chúc trúng tên lửa của đối phương, anh đã kịp nhảy dù, nhưng bị thương. Mặc dù được cấp cứu kịp thời và chuyển về Quân y viện 108 để cứu chữa, nhưng Thượng úy Hà Văn Chúc đã hy sinh ngày 19-1-1968. Ngày 30-8-1995, Thượng úy Hà Văn Chúc được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Đại tá James Ellis Bean là sĩ quan cao cấp thứ ba của Không đoàn không quân tiêm kích chiến thuật 388 (đóng ở Cò Rạt, Thái Lan) bị không quân và phòng không ta bắn hạ trong vòng 3 tháng đầu năm 1968. Sau khi được trao trả, J.E. Bean nghỉ hưu và sống tại Kentucky, ông mất ngày 3-1-2006 (đúng 38 năm sau ngày ông bị bắn hạ tại miền Bắc, Việt Nam).
Hưng Nguyễn