Một kiểu trục lợi mới ở dự án
Gần đây, nhiều hộ dân ở đường Bưởi thuộc dự án xây dựng vành đai 2 ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP. Hà Nội đã gửi đơn thư tố cáo tội phạm tới nhiều cơ quan chức năng của quận Ba Đình và TP. Hà Nội cũng như một số cơ quan báo chí về sự việc họ cho là “bị lừa đảo để chiếm đoạt tiền đền bù giải phóng mặt bằng”.
Câu chuyện là như thế này: Trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6-2015, ông Hà Sĩ Mạnh, CMND số 125300359 do Công an Bắc Ninh cấp ngày 21-10-2005, ĐKHKTT tại 485 La Thành, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội, đã đến các gia đình trong diện bị thu hồi đất ở đường Bưởi để vận động ký các Hợp đồng uỷ quyền về việc thay mặt các gia đình trong diện giải phóng mặt bằng nhận toàn bộ các chính sách “bồi thường, hỗ trợ các khoản tiền đang tồn đọng và phát sinh từ diện tích đất ở bị thu hồi” và được “uỷ quyền lại cho bên thứ ba thực hiện các nội dung uỷ quyền nêu trên mà không cần hỏi ý kiến của bên A (bên các hộ dân)”; bản Hợp đồng uỷ quyền này có “Thời hạn là 20 năm kể từ ngày ký…”. Bên B-tức ông Hà Sĩ Mạnh-chi trả cho các gia đình uỷ quyền 70.000.000 đồng theo kiểu “mua đứt bán đoạn”, “lời ăn lỗ chịu” để lấy một căn hộ thứ hai tái định cư và các khoản tiền phát sinh khác do chính sách của thành phố ban hành (giá trị của mỗi căn hộ mua thêm này người dân hoàn toàn không hay biết cho đến lúc này). Những hộ dân ở đây đã đồng ý bán quyền lợi của mình thông qua Hợp đồng uỷ quyền vì họ cho rằng chẳng biết bao giờ mới được nhận tiền bồi thường và giá cả của việc bồi thường như thế nào cũng rất tù mù trong khi rất cần tiền lo cho chỗ ăn ở mới.
Ngay sau đó, ông Mạnh đã sử dụng quyền được uỷ quyền để bán trao tay cho người thứ ba với giá 500.000.000 đồng để được nhận căn hộ Nhà nước hỗ trợ cho các gia đình trong diện bị thu hồi đất. Thế là người uỷ quyền ở đây cho là mình bị “lừa đảo” và phát đơn tố cáo tội phạm đến nhiều cơ quan chức năng.
Ở đây xét về phương diện giao dịch dân sự không có vấn đề sai phạm lớn, duy có một điểm là quy định không được đơn phương chấm dứt hợp đồng là không phù hợp với Bộ luật Dân sự. Hợp đồng này được hai bên đồng thuận giao kết và có cơ quan công chứng chứng thực theo luật định. Nhưng ở khía cạnh khác, chúng ta thử hỏi, một công dân như Hà Sĩ Mạnh có dám bỏ ra một lúc hàng tỷ đồng để mua cả chục căn hộ chưa rõ Nhà nước định giá mô tê thế nào? Phải chăng, ông ta rất biết giá của mỗi căn hộ trước khi đi đến nhiều nhà dân nơi đây để đặt vấn đề mua lại kiếm lời qua các Hợp đồng uỷ quyền như báo Pháp luật của Bộ Tư pháp nhận định là “Những hợp đồng uỷ quyền bất thường”. Chi tiết này rất quan trọng để các cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu xem có ai đã “phím” cho Hà Sĩ Mạnh, không để ông ta dám liều lĩnh bỏ ra cả tỷ đồng vào một thương vụ kiểu mua bán “vịt trời” thế này?
Ở một động thái khác, để “phản kích” lại các đơn tố giác tội phạm của những người cho là “bị hại”, Hà Sĩ Mạnh đã gửi đơn trình báo tới Công an quận Ba Đình, Viện Kiểm sát nhân dân quận Ba Đình và Báo Pháp luật (tờ báo đã đăng tải hai số liên tiếp về sự việc này) rằng mình mới là “người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và có giấy yêu cầu luật sư gửi Công ty Luật TNHH Hà Sơn cử luật sư khi tham gia tố tụng với tư cách người khởi kiện vụ án dân sự với một trong mười gia đình đã ký Hợp đồng uỷ quyền với ông nhưng nay muốn đơn phương huỷ.
Thay vì tập hợp tài liệu để tham gia vụ kiện dân sự từ phía người yêu cầu, Công ty Luật TNHH Hà Sơn lại có Công văn 071/2015/CV-HS gửi ông Ngô Minh và Trần Thị Vang để khuyến cáo gia đình này rút Thông báo chấm dứt Hợp đồng uỷ quyền mang tính “hù dọa”. Một việc không thuộc công việc của Công ty mà đối tác yêu cầu.
Thiết nghĩ, trong quá trình thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng, cần thông báo toàn bộ chính sách cho dân biết, để không có kẽ hở cho những kẻ trục lợi bằng sự mù mờ của chính sách và sự nôn nóng của người dân, vì dân rất ngại các thủ tục hành chính rườm rà, nên muốn qua “cò” cho nhanh vì “cò” quá “hiểu” luật!
Nguyễn Hữu Đức